Tái cơ cấu nông nghiệp cần liên tục và “thức thời” hơn

09:21 - Thứ Ba, 08/10/2019 Lượt xem: 13231 In bài viết

Nếu tái cơ cấu nông nghiệp chỉ giải quyết các vướng mắc của chúng ta mà chậm với các yêu cầu của thời đại về công nghệ, thị trường… thì rất phiến diện và sẽ không thành công.

Nuôi cá sạch tại Tuyên Quang giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến tháng 10/2019, đã có 4.554 xã (51,16%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là NTM (tính theo số xã đạt chuẩn), mặt bằng bình quân nông thôn cả nước đã đạt 80,3% chuẩn NTM (tính theo số tiêu chí/xã 15,32/19).  Xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo cần cách tiếp cận và mục tiêu như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của nông dân và nông nghiệp?

Đây là câu hỏi được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng NTM” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5/10.

Tốc độ phát triển nông thôn còn chậm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, bên cạnh 2 mục tiêu cơ bản là số xã đạt chuẩn NTM và số tiêu chí NTM bình quân một xã đã vượt kế hoạch năm 2020 từ tháng 6/2019 thì kết quả xây dựng NTM cũng có rất nhiều điểm sáng. Tuy vậy, theo Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM (Bộ NN&PTNT) giai đoạn 2010 – 2020 vẫn tồn tại một số hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối với đô thị. Chiến lược phát triển bao trùm, trong đó có chiến lược đô thị hóa gắn với xây dựng NTM chưa được thể chế hóa. Vì thế, chưa thể khắc phục tình trạng gia tăng ngăn cách, chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa. Kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, chưa đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất còn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao. Giá trị gia tăng còn thấp, chất lượng và thương hiệu nông sản chưa tương xứng với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu. Chương trình OCOP mới chỉ bắt đầu và tạo động lực chủ yếu cho dòng sản phẩm chủ lực cấp địa phương.

Ngành nông nghiệp vẫn còn chậm chạp trong phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp. Phần lớn hộ nông dân (trên 70%) có quy mô sử dụng đất nông nghiệp dưới 2 ha. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tuy tăng nhanh, nhưng còn rất ít, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực thấp. Chủ thể chính ở nông thôn vẫn là nông dân, phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ có một số ít có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Công nghiệp chế biến chưa đủ đa quy mô công suất, đa tầng công nghệ, hoặc chưa đủ linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nguồn cung lớn, thay đổi theo mùa vụ, nhiều bất thường của sản xuất nông nghiệp. Công tác thị trường còn yếu, kém. Hạ tầng logistic chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện nghiên cứu thể chế nông nghiệp, thu nhập và đời sống người dân cải thiện còn chậm, chưa đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phân hóa nông thôn, chênh lệch thu nhập ở nông thôn tiến triển mạnh.

“Nông thôn đã phát triển nhưng tốc độ phát triển của thành thị còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta từng nghĩ nâng cao học vấn khu vực nông thôn sẽ cải thiện đời sống khu vực này nhưng thực tế những người càng học cao đa số lại tìm cách lập nghiệp ở thành thị, vì vậy, vẫn chưa thực sự rút ngắn được khoảng cách nông thôn và thành thị. Cơ hội dành cho những người dân nông thôn vì thế cũng không thể nhiều như ở thành thị”, TS. Đặng Kim Sơn nhận định.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần xác định chủ thể và động lực phát triển thức thời

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Xây dựng NTM trong giai đoạn tới có vai trò tích cực, tác động mạnh mẽ hơn lên xu thế phát triển nông nghiệp. Thông qua thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chiều sâu, đảm bảo sinh kế và thu nhập của người dân. Xây dựng NTM sẽ tiếp tục tác động tích cực đến biến đổi toàn diện làng xã, nông thôn Việt Nam, cả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cấu trúc dân cư, chuyển dịch lao động, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, quản lý xã hội và phát triển văn hóa…”.

Tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên đã có những khuyến nghị về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.

Theo TS Thiên, việc tái cơ cấu nông nghiệp cần thực hiện liên tục và “thức thời” hơn nữa. “Hàng ngày, hàng giờ cấu trúc thị trường, quy mô thị trường đang thay đổi. Nếu tái cơ cấu chỉ giải quyết các vướng mắc của chúng ta mà chậm với các yêu cầu của thời đại về công nghệ, thị trường… thì rất phiến diện và sẽ không thành công”. TS Trần Đình Thiên nhìn nhận

Theo mục tiêu tổng quát xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ xây dựng NTM để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.

Cùng với đó, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần rà soát đánh giá kỹ hơn về NTM để nâng cao đời sống của nông dân. Sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường trong khu vực và trên toàn thế giới.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top