Ðổi thay huyện vùng cao Tủa Chùa

09:38 - Thứ Tư, 09/10/2019 Lượt xem: 14515 In bài viết

ĐBP - So với khoảng 5 năm trước, huyện Tủa Chùa bây giờ có sự thay đổi mạnh mẽ. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; các công trình: Ðiện, đường, trường, trạm, chợ… được đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu của người dân; thị trấn được công nhận đô thị loại V; xã Mường Báng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nông dân xã Mường Báng thu hoạch ngô.

Tiếp chúng tôi, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa vui mừng cho biết: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng từng bước phát triển. Ðời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; các chế độ, chính sách đối với người dân được thực hiện đảm bảo; quốc phòng - an ninh ổn định; công tác xây dựng Ðảng được tăng cường; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Ðến hết tháng 6/2019, huyện Tủa Chùa đã hoàn thành 5/15 chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện. Một số chỉ tiêu đạt và vượt như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo; thị trấn Tủa Chùa được công nhận đô thị loại V; giá trị sản xuất công nghiệp -  tiểu thủ công nghiệp, giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; số trường học đạt chuẩn quốc gia… các chỉ tiêu còn lại đạt từ gần đến trên 70%.

Ðổi thay dễ nhận thấy nhất của huyện Tủa Chùa là hệ thống hạ tầng giao thông. Huyện Tủa Chùa cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ 120km, trước đây giao thông khó khăn, đường nhỏ, nhiều cua. Ðến nay, tuyến đường từ TP. Ðiện Biên Phủ đến Tủa Chùa đã được mở rộng, nhựa hóa, tu sửa hàng năm, xe ô tô đi lại an toàn suốt 4 mùa, thời gian di chuyển được rút ngắn từ nửa ngày xuống còn 3 giờ đồng hồ. Hệ thống đường cấp huyện, xã, liên xã, thôn bản cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Từ năm 2015 - 2019, huyện Tủa Chùa đã thực hiện đầu tư nhựa hóa 42,83km đường; bê tông 72,33km đường và rải cấp phối 10,18km đường. Ðến nay, toàn huyện có 837km đường bộ (trong đó có 201km đường nhựa, 122km đường bê tông, 158km đường cấp phối) và 50km đường thủy nội địa; 10/12 xã có đường nhựa đến trung tâm xã (đạt 83,3% chỉ tiêu nghị quyết); 82/143 thôn, bản có đường nhựa hoặc bê tông (đạt 95,5% chỉ tiêu nghị quyết); xây dựng và đưa vào vận hành 3 bến thủy nội địa tại các xã: Huổi Só và Tủa Thàng. Có hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Tủa Chùa đã phối hợp đầu tư xây dựng bến xe khách huyện, duy trì lưu lượng vận tải hành khách 24 chuyến/ngày. Ðặc biệt, năm 2019, huyện Tủa Chùa đã mở 2 tuyến xe chạy liên tỉnh: Tủa Chùa - Hà Nội (2 chuyến/ngày); Tủa Chùa - Quảng Ninh (1 chuyến/ngày) tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, lao động đi làm việc, thăm thân tại các tỉnh miền xuôi.

Giao thông đi trước đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tủa Chùa. Sản xuất nông nghiệp luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết hàng năm. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện các mô hình chuỗi liên kết mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện như: Chè cổ thụ, rượu Mông Pê, gà xương đen, sa nhân… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, đến năm 2019 đạt trên 150% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Huyện Tủa Chùa tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn như: Chương trình 30a, Chương trình 135, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng sinh kế… nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến cuối năm 2019 còn 45,38%, giảm 22,92% so với năm 2015, đạt 105,5% chỉ tiêu nghị quyết. Công tác giáo dục - đào tạo; y tế - dân số, văn hóa - thể thao - du lịch tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2019, huyện Tủa Chùa có xã Mường Báng được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu được công nhận đạt chuẩn vào năm 2020. Ông Lò Văn Nắm, Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Với xuất phát điểm thấp, để hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí nông thôn mới là sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Ðến nay, xã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kiên cố, nhiều tuyến giao thông được bê tông hóa; nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi được xây dựng mới phục vụ nhân dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Xây dựng nông thôn mới giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; bảo vệ môi trường; xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top