Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:39 - Thứ Tư, 09/10/2019 Lượt xem: 12599 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh có 99.648 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ nghèo là 46.121 hộ (chiếm 46,28%) và chiếm 97,43% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Vì vậy, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Người dân bản Xa Vua A, xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) đầu tư chăn nuôi bò sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp.

Ðể giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, những năm qua các cấp, ngành tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp; thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ðiện Biên Ðông là huyện nghèo, được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn với 12.424 hộ dân tộc thiểu số; trong đó số hộ nghèo chiếm 99,94% trên tổng số hộ nghèo và 1.002 hộ cận nghèo, chiếm 99,5% tổng số hộ cận nghèo toàn huyện. Nguyên nhân nghèo chủ yếu do phong tục tập quán, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều; cơ sở hạ tầng, giao thông thiếu đồng bộ; tình hình di cư tự do, xuất cảnh trái phép; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp… Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Xác định những khó khăn trên, thời gian qua huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nghề, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo. Giai đoạn 2014 - 2018, huyện đã tổ chức 14 hội nghị cấp xã tập huấn, hướng dẫn, triển khai các nội dung về đào tạo nghề, dạy nghề; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh, tuyển dụng lao động sau đào tạo nghề. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cho 3.322 lao động người dân tộc thiểu số; trong đó đào tạo nghề nông nghiệp 3.106 người và 216 người học nghề phi nông nghiệp. Số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng nghề là 52 lao động; đào tạo trung cấp 71 người và 3.199 người được đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Huyện đã tổ chức 47 buổi tuyên truyền về xuất khẩu lao động với hơn 2.000 lượt người dân tham gia. Kết quả có 43 lao động là người dân tộc thiểu số đã xuất cảnh làm việc ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan… Ðồng thời, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã tạo việc làm thường xuyên. Tính đến hết năm 2018, toàn huyện có tổng dư nợ cho vay đạt hơn 264,3 tỷ đồng, với trên 10.000 lượt hộ nghèo được vay vốn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh đã huy động gần 30 tỷ đồng nguồn vốn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; huy động hơn 75,5 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện chính sách giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn trên, trong 5 năm qua đã có trên 17.614 lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề (chiếm trên 74% tổng số lao động được đào tạo nghề toàn tỉnh); giải quyết việc làm cho gần 45.000 lao động, trong đó số lao động được giải quyết việc làm mới khoảng 17.653 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 42,7% năm 2015 lên 52,15% năm 2018; tạo việc làm mới đạt trung bình 8.876 lao động/năm (đạt 103,1% so với mục tiêu đề ra là 8.600 lao động/năm).

Việc đào tạo nghề, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top