Dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên

Ðòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội

08:49 - Thứ Năm, 10/10/2019 Lượt xem: 14417 In bài viết

ĐBP - Cảng Hàng không Ðiện Biên là cầu nối quan trọng giữa tỉnh Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, giữ vị trí xung yếu trong đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên tạo điều kiện, cơ hội để tỉnh ta bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hành khách làm thủ tục bay tại Cảng Hàng không Ðiện Biên. Ảnh: Văn Ðức Thành

Qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng hiện nay Cảng Hàng không Ðiện Biên mới chỉ khai thác được dòng máy bay nhỏ ATR72 hoặc tương đương với tuyến bay duy nhất Ðiện Biên - Hà Nội, tần suất 2 chuyến/ngày. Nguyên nhân do hạ tầng còn hạn chế, thiết bị dẫn đường bay, thiết bị phục vụ cất cánh, hạ cánh... chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của ngành hàng không khiến hoạt động bay gặp nhiều khó khăn, đường bay chỉ khai thác được vào ban ngày, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí tượng… Những hôm thời tiết xấu là Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO lại thông báo hủy hoặc dồn chuyến bay. Do đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp sân bay Ðiện Biên theo quy hoạch được duyệt là rất cấp bách nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng không, đồng thời mở thêm một số tuyến bay mới tại sân bay Ðiện Biên (cả tuyến nội địa và quốc tế); là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho Ðiện Biên phát triển; thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế khai thác các thế mạnh địa phương.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tỉnh ta có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển. Tuy nhiên, những năm qua, kinh tế Ðiện Biên chưa thể bứt phá do hệ thống giao thông còn hạn chế, chi phí vận chuyển lớn dẫn đến suất đầu tư cao nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn. Trong bối cảnh giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn thì việc nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên là giải pháp tối ưu, bước tạo đà hoàn hảo thúc đẩy kinh tế Ðiện Biên phát triển. Theo tính toán, khi Cảng Hàng không Ðiện Biên hoàn thành nâng cấp, đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh từ 7,2%/năm lên 7,8%/năm. Bên cạnh đó, đảm bảo điều kiện mở thêm nhiều tuyến bay từ Ðiện Biên đi các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Khi “nút thắt” giao thông được tháo gỡ sẽ tăng cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện nay, một số tập đoàn lớn như: FLC, VinGroup, Tập đoàn Thái Bình Dương đã có ý định nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng tại Ðiện Biên những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp; đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ thương mại… Khi có các tập đoàn lớn đầu tư, Ðiện Biên sẽ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch, kéo theo các dịch vụ của tỉnh sẽ phát triển, thu nhập, đời sống người dân sẽ tăng lên. Ngoài ra, sân bay được mở rộng, kết nối nhiều tỉnh, thành thu hút nhiều hãng dịch vụ bay khai thác sẽ phá thế độc quyền hiện nay góp phần giảm giá vé, người dân, khách hàng được hưởng lợi. Ước tính, khi hoàn thành nâng cấp, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không Ðiện Biên thì giá vé máy bay tuyến Ðiện Biên - Hà Nội sẽ còn 900.000 - 1 triệu đồng/lượt, giảm một nửa so với giá hiện tại. Với mức giá này, dịch vụ hàng không Ðiện Biên sẽ thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn, qua đó giảm tải cho vận tải đường bộ.

Kinh tế du lịch là một trong những hướng phát triển quan trọng của tỉnh Ðiện Biên. Vì vậy, việc nâng cấp cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên sẽ là đòn bẩy thúc đẩy du lịch Ðiện Biên phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018 có 705.000 lượt khách du lịch đến Ðiện Biên, song chỉ có khoảng 23.500 lượt khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3,3%. Hiện nay, khách du lịch nếu lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không sẽ gặp nhiều bất lợi như: Giá vé cao làm tăng giá tour; giảm tính cạnh tranh so với các điểm du lịch khác về giá; tiềm ẩn rủi ro bị vỡ tour do tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến; số chuyến bay khai thác ít nên khách du lịch không chủ động và không có nhiều lựa chọn về thời gian trong hành trình tham quan du lịch. Do vậy, các đơn vị kinh doanh lữ hành, tổ chức, cá nhân thường lựa chọn đưa khách đến Ðiện Biên bằng đường bộ. Tuy nhiên, hình thức này có hạn chế về mặt thời gian di chuyển do chặng đường dài. Ðơn cử từ Hà Nội đến Ðiện Biên (gần 500km) đi ô tô mất ít nhất 10 giờ, cung đường nhiều đèo dốc. Do đó, ảnh hưởng nhiều tới sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch.

Theo quy hoạch được phê duyệt quy mô đầu tư đến năm 2020, Cảng Hàng không Ðiện Biên có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm với 3 vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay ATR72 và A320; xây dựng mới đường cất cánh, hạ cánh dài 2.400m, một đường lăn đồng bộ với đường cất hạ cánh nối vào sân đỗ tàu bay dân dụng. Quy mô định hướng đến năm 2030, Cảng có công suất 2.000.000 hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ tàu bay, gồm: 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320. Ðồng thời, tăng khả năng kết nối giữa Ðiện Biên với các thị trường du lịch trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hải Phòng… và quốc tế (Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào).

​​​​​​​Phạm Trung
Bình luận
Back To Top