Khó thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM

08:41 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 14504 In bài viết

ĐBP - Tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, còn nhiều xã chưa đạt; với những xã đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí này cũng khó.

Mô hình trồng bí đao trên địa bàn xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) được đánh giá góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, tuy nhiên đến nay chưa đóng góp nhiều cho tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông đã có sự thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tỷ lệ hộ nghèo giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính quyền địa phương vẫn đang gặp khó với tiêu chí thu nhập. Ðến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện mới đạt 10,894 triệu đồng/người/năm; trong khi theo quy định tiêu chí NTM phải đạt từ 30 triệu đồng/người/năm trở lên. Ðến nay toàn huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí về thu nhập.

Mường Luân là xã duy nhất của huyện Ðiện Biên Ðông được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM với 15/19 tiêu chí. Hiện nay, thách thức lớn đối với xã là nâng cao thu nhập cho người dân khi thu nhập bình quân mới đạt 17,5 triệu đồng/người/năm. Ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Ðể tăng mức thu nhập cho người dân, thời gian qua xã đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gà; trâu, bò sinh sản... Tuy nhiên, với tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn lạc hậu, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên những mô hình này chưa phát huy hết hiệu quả.

Tương tự, huyện Tủa Chùa cũng gặp không ít khó khăn về tiêu chí thu nhập. Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, vì vậy những năm qua cùng với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND huyện triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay, 11/11 xã vẫn chưa đạt tiêu chí về thu nhập. Mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện năm 2018 mới đạt 9 triệu đồng/người/năm. Nguyên nhân do thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; trong khi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún...

Không chỉ khó khăn cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, tiêu chí thu nhập còn là nguy cơ đe dọa rớt chuẩn NTM đối với các xã đã đạt chuẩn. Xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, song theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn thì để giữ vững tiêu chí thu nhập rất khó khăn. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 31 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng, theo quy định Bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người phải đạt trên 36 triệu đồng/năm. Với thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp thì đạt tiêu chí đó không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Theo quy định Bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tiêu chí về thu nhập như sau: Thu nhập bình quân năm 2017 phải đạt 26 triệu đồng/người trở lên; năm 2018 đạt 30 triệu đồng/người; năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người và năm 2020 phải đạt 36 triệu đồng/người trở lên. Song đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến hết năm 2019 ước đạt 18,5 triệu đồng/người. Ðến nay, toàn tỉnh mới có 21/116 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm 18,1%; nhiều xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM vẫn có nguy cơ “rớt hạng” vì tiêu chí thu nhập. Do đó, để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương cần đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn...

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top