Phát triển cây ăn quả cần đảm bảo hiệu quả

08:42 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 12382 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 2.671ha cây ăn quả; trong đó 1.979,1ha đã cho thu hoạch; sản lượng năm 2018 ước đạt 19.573,8 tấn. Diện tích cây ăn quả tập trung tại các huyện: Ðiện Biên (1.228,8ha); Tuần Giáo (289ha); Mường Chà (255,9ha); Ðiện Biên Ðông (232,3ha); Mường Ảng (189,9ha); Mường Nhé (151,6ha) và TP. Ðiện Biên Phủ (169ha) với các loại cây chủ yếu: Cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, dứa, vải. Thời gian gần đây, cây chanh leo đang được người dân tích cực mở rộng diện tích; hiện nay toàn tỉnh đã có 66,2ha cây chanh leo trồng tập trung tại 2 huyện: Tuần Giáo và Mường Ảng.

Gia đình bà Lò Thị Úm, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Phạm Trung

Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2982/KH-UBND, trong đó định hướng tập trung phát triển một số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn. Ðến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đạt 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Ðiện Biên (100ha), Mường Ảng (300ha), Tuần Giáo (100ha) và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: Bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Ðiện Biên. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao. Năm 2019, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 332ha sang trồng cây ăn quả tại các huyện: Mường Ảng, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông. Năm 2020, dự kiến chuyển đổi thêm 321ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Nếu như giai đoạn 2009 - 2015, 100% diện tích cây ăn quả được hỗ trợ đều trồng phân tán, không được kiểm tra, giám sát thường xuyên thì đến nay phần lớn được triển khai theo các dự án liên kết chuỗi sản xuất gồm 4 thành phần: Nhà cung ứng cây giống; người dân, đơn vị chủ đầu tư và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do đó, các dự án được triển khai bài bản, hiệu quả, tỷ lệ cây sống cao.

Từ năm 2017, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) đã triển khai hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để mở rộng diện tích cây ăn quả. Ðến nay, toàn xã đã trồng mới được gần 10ha, gồm 2 loại cây chính: Xoài Ðài Loan và bưởi da xanh. Ông Lò Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: Diện tích cây ăn quả được hỗ trợ đều trồng tập trung và triển khai theo các dự án liên kết chuỗi; từ trồng, chăm sóc, bảo vệ đều được cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể và được kiểm tra thường xuyên nên tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Hiện nay, những diện tích trồng năm 2017 đã cho quả bói; diện tích trồng năm 2018 đang sinh trưởng, phát triển tốt; năm 2019 đã cấp phát cây giống và triển khai trồng xong trong tháng 7. UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra và báo cáo định kỳ về tình hình sinh trưởng, phát triển của các diện tích cây ăn quả theo dự án. Vừa qua, phát hiện 3/7 hộ được hỗ trợ năm 2018 bảo vệ cây không tốt, để trâu, bò phá hại khoảng 50% diện tích. UBND xã đã báo cáo UNBD huyện sau đó đơn vị cung ứng đã cấp bù cây giống để trồng giặm và yêu cầu chủ hộ ký cam kết bảo vệ diện tích cây ăn quả tham gia dự án.

Sau nhiều năm trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2018, gia đình bà Lò Thị Úm, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở quyết định chặt bỏ 1,5ha cây cà phê để tham gia dự án trồng cây ăn quả do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai. Sau 2 năm trồng, chăm sóc, đến nay vườn xoài Ðài Loan của gia đình bà Úm đã bắt đầu cho quả bói; dự kiến năm 2020 sẽ cho thu hoạch đại trà. Bà Lò Thị Úm cho biết: Sau 2 năm, cây xoài cho quả bói, trọng lượng từ 1,7 - 2kg/quả và rất ngọt. Chúng tôi mong muốn các đơn vị thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng để người dân yên tâm đầu ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện được xác định là vùng trọng điểm của tỉnh để tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Ðịnh hướng đến năm 2020, toàn huyện sẽ có 350 - 400ha cây ăn quả và khoảng 100ha cây chanh leo. Năm 2018 - 2019, UBND huyện Mường Ảng đã sử dụng nguồn vốn nông thôn mới kết hợp với nguồn vốn theo Quyết định 45/QÐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh triển khai mở rộng được hơn 200ha cây ăn quả (xoài Ðài Loan, bưởi da xanh) và 30ha cây canh leo. Ðối với những băn khoăn của người dân về đầu ra sản phẩm, ngày 4/10/2019 UBND huyện đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đối với sản phẩm chanh leo. Ðối với diện tích cây ăn quả theo chuỗi liên kết, 100% hợp đồng dự án đều có đơn vị bao tiêu sản phẩm, trong các hợp đồng đều quy định rõ giá bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia sản xuất theo chuỗi. Ðối với trường hợp không thực hiện tốt công tác bảo vệ, lần đầu UBND huyện chỉ đạo cấp cây giống để trồng dặm, nếu để xảy ra lần 2 thì các hộ đó sẽ bị đưa ra khỏi chuỗi và phải đền bù toàn bộ tiền hỗ trợ.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top