Tăng cường quản lý thị trường những tháng cuối năm

08:43 - Thứ Tư, 16/10/2019 Lượt xem: 12824 In bài viết

ĐBP - Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp. Ðây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả để trục lợi. Nhằm ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, giữ vững ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Ðiện Biên đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ðội QLTT số 1 phối hợp với Ðội Cảnh sát kinh tế - ma túy (Công an TP. Ðiện Biên Phủ) tiêu hủy số hàng hóa vi phạm thuộc “Chuỗi cửa hàng Kyotosho”.  Ảnh: C.T.V

Ông Lò Ngọc Minh, quyền Cục trưởng Cục QLTT Ðiện Biên cho biết: Tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, số lượng và tính chất vụ việc không lớn. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, như: Chia nhỏ hàng hóa, sử dụng phương tiện xe khách, xe tải chạy đêm để vận chuyển; hợp thức hóa hóa đơn; trà trộn hàng giả, hàng nhập lậu với hàng hóa khác để tiêu thụ… gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT Ðiện Biên đã kiểm tra 1.544 vụ, xử lý 451 vụ, các hành vi chủ yếu là: Vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá 190 vụ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm 127 vụ, vi phạm trong kinh doanh 18 vụ, vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ 5 vụ, hàng cấm 1 vụ, các vi phạm khác 110 vụ. Tổng số tiền thu phạt là 440,225 triệu đồng. Ðiển hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường tuần tra, kiểm soát nắm bắt thị trường, vào trung tuần tháng 4/2019, Ðội QLTT số 1 (Cục QLTT) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm của bà Trần Thị Phúc tại chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 96kg nội tạng dê không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối. Ðội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với bà Trần Thị Phúc; đồng thời buộc bà Phúc phải tự tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm.

Hay trước đó, vào đầu tháng 3/2019, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo Ðội QLTT số 1 áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, thẩm tra, xác minh, xử lý vi phạm đối với cửa hàng kinh doanh của ông Phạm Quang Hải, số 1004, đường Võ Nguyên Giáp (TP. Ðiện Biên Phủ) thuộc “Chuỗi cửa hàng Kyotosho”. Căn cứ dấu hiệu vi phạm, ngày 13/3/2019, Ðội QLTT số 1 phối hợp với Ðội Cảnh sát kinh tế - ma túy (Công an TP. Ðiện Biên Phủ), tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ tại cửa hàng của ông Phạm Quang Hải. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 32 loại mỹ phẩm (107 sản phẩm) chưa thực hiện công bố sản phẩm và 9 loại thực phẩm chức năng (18 sản phẩm) nhập lậu. Ðội QLTT số 1 đã thiết lập hồ sơ và xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng đối với ông Phạm Quang Hải và tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm (tổng trị giá trên 28 triệu đồng).

Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT Ðiện Biên cũng đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật. Ðồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong tỉnh đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu và các hành vi kinh doanh trái phép khác; từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về QLTT.

Ðể ổn định thị trường, ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp tết, như: quần áo, giày dép, lương thực thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh, mỹ phẩm… Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa nhận thức của người dân còn hạn chế. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt thông tin nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thị trường.

Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top