Vui buồn chuyện kinh doanh online

08:38 - Thứ Năm, 17/10/2019 Lượt xem: 14340 In bài viết

ĐBP - Trong những năm gần đây, việc bán hàng online nổi lên như một trào lưu, bởi những tiện ích nhất định, như: Tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là không cần phải đầu tư mặt bằng, cửa hàng cửa hiệu nhiều, mà vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, nghề kinh doanh online cũng đối mặt với những khó khăn, vất vả, thậm chí tiềm ẩn không ít rủi ro mà bản thân người kinh doanh không thể lường trước.

Gian bán hàng online của chị Lò Thị Việt, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).     

Nhiều người có thể khởi nghiệp bằng kinh doanh online, miễn là có sự đam mê và quyết tâm. Vì thế ngày nay người kinh doanh online cũng đa dạng, không phân biệt tuổi tác, vùng miền; có thể đó là một người làm văn phòng, bà nội trợ, sinh viên hay cán bộ đã nghỉ hưu... Chỉ cần bỏ ra vài phút là có thể sở hữu ngay một trang bán hàng với các sản phẩm đa dạng trên Facebook.

Là một cán bộ văn phòng và khá thành công với nghề tay trái đó là kinh doanh online, chị Nguyễn Thị Hảo, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) tâm sự: Mỗi tháng thu nhập trên 5 triệu đồng từ tiền lương, số tiền ấy tằn tiện lắm cũng chỉ đủ tiền ăn học cho các con. Vì vậy, mình phải kiếm thêm bằng việc bán hàng online, tuy có bận rộn nhưng đây cũng là một cách tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Hiện nay nhiều người sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) nên bán hàng online cũng đơn giản, chỉ cần chụp ảnh các sản phẩm thật đẹp, tải lên trang cá nhân, cùng với đó là các thông tin về sản phẩm, địa chỉ người bán hàng, số tài khoản là có thể bán hàng online. Việc giao hàng thì mình có thể tranh thủ thời gian để giao tận tay người mua hoặc thuê shipper (người đưa hàng) chuyển đến tận nơi theo địa chỉ của khách hàng. Từ ngày bán hàng, mình có thêm nhiều bạn là khách hàng “ruột”, tuy bận rộn nhưng bù lại gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Cũng là một người kinh doanh online, chị Lò Thị Việt, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ bày tỏ: “Kinh doanh online có nhiều lợi thế, trước tiên phải kể đến việc tiết kiệm chi phí so với kinh doanh truyền thống. Thay vì phải mất chi phí thuê mặt bằng, đăng ký kinh doanh, chi phí quản lý, nhân công và các chi phí khác, thì đối với kinh doanh online mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Như bản thân tôi, một nhân viên văn phòng kiêm mẹ “bỉm sữa”, không có quá nhiều vốn để đầu tư, tôi sẽ rất khó khăn nếu mở cửa hàng. Thế nhưng giờ đây tôi hoàn toàn có thể trở thành “bà chủ” chỉ với vài cú click chuột và một số vốn nho nhỏ để ứng tiền hàng. Về nguồn hàng thì cũng rất đa dạng, từ cao cấp đến bình dân. Tất nhiên, thành công hay không lại còn phụ thuộc vào khả năng tương tác cũng như “thương hiệu” của mỗi người. Nhưng về cơ bản, việc bán hàng vẫn dễ dàng hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống. Ðây là một trong những lợi ích to lớn mà mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng mang lại cho người sử dụng bên cạnh chức năng kết nối thông tin thông thường. 

Còn em Lò Thị Hải Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên thì, kinh doanh là công việc mà em yêu thích. Hiện tại em đang cố gắng kinh doanh nhỏ trên mạng để có thêm kinh nghiệm, cứ thấy nhiều khách đặt hàng là em vui và có thêm động lực để thực hiện. Ðặc biệt muốn giữ được chân khách hàng thì sản phẩm phải chất lượng, giá cả hợp lý và tuyệt đối không được để khách hàng mất niềm tin dù chỉ một lần. Ngoài ra em cũng phải tương tác với khách thường xuyên để kịp thời tư vấn, trả lời khách hàng các thông tin về sản phẩm…

Nói như vậy không có nghĩa là kinh doanh online đều “xuôi chèo mát mái”, bởi theo chị Nguyễn Thị Hảo, Lò Thị Việt, em Lò Thị Hải Anh và những người kinh doanh online khác thì ngoài những mặt tích cực trên, cũng có nhiều góc khuất, thậm chí mất cả vốn lẫn lãi. Sản phẩm mình bán là thật, mình phải bỏ vốn ra để lấy hàng đăng bán trên mạng, khách hàng ưng ý thì đặt mua, để lại thông tin, số điện thoại. Dựa vào đó người bán hàng gọi điện lại xác nhận thông tin, kê đơn và giao hàng theo địa chỉ. Tuy nhiên, có những khách đặt mua hàng rồi nhưng khi mình mang hàng đến nhà thì họ lại tìm cách chê bai để hạ giá sản phẩm, thậm chí có những khách hàng gọi nhiều lần không nghe máy hoặc nghe thì bảo không có nhà, tìm đủ mọi lý do để tránh hay “bùng” hàng. Như vậy, người bán hàng vừa mất tiền thuê shipper mà sản phẩm lại không bán được dẫn đến tồn hàng, mất cả vốn lẫn lãi. Bởi trên thực tế, giữa người bán và người mua không có một ràng buộc nào. Mọi giao dịch chỉ dựa vào niềm tin nên rất khó để bắt đền khách hàng. Ðó là chưa kể những ngày hè nóng bức hay những khi mưa tầm tã, người giao hàng lại phải bảo quản hàng cẩn thận, nếu để hỏng hóc thì coi như “mất cả chì lẫn chài”.

Có thể nói, hình thức mua sắm trực tuyến đang phổ biến hiện nay được đón nhận khá tích cực, nhất là trong giới trẻ, bởi tính chất tiện lợi và nhanh gọn. Tuy nhiên, để hạn chế những rủi ro không đáng có, người bán hàng và người mua hàng đều cần phải thận trọng, làm sao để người bán đảm bảo giao dịch và người mua cũng mua được những sản phẩm ưng ý, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Mặt khác, người bán cũng cần phải đặt cái tâm lên trên lợi nhuận. Hiện nay cũng có không ít những địa chỉ bán hàng online quảng cáo, giới thiệu một đằng, bán hàng một nẻo, dẫn đến việc đánh mất niềm tin của khách hàng, và đương nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, lợi nhuận của người kinh doanh online.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top