Hỗ trợ trâu, bò giống cho người nghèo

Người thụ hưởng quyết định hình thức hỗ trợ

08:40 - Thứ Năm, 17/10/2019 Lượt xem: 13744 In bài viết

ĐBP - Thời điểm quý IV hàng năm, UBND các xã, các đơn vị chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tại tỉnh Ðiện Biên, phần lớn các địa phương, người dân đều có nhu cầu hỗ trợ trâu, bò giống. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án hỗ trợ trâu, bò giống, các đơn vị chủ đầu tư gặp phải vấn đề khá khó khăn trong việc nên chọn lấy giống qua các nhà thầu cung ứng hay lựa chọn con giống bằng cách tự chọn mua tại địa phương?

Cán bộ Trạm Thú y huyện Mường Nhé kiểm tra dịch bệnh trên bò giống do các chương trình dự án hỗ trợ người dân xã Mường Nhé.

Các dự án, tiểu dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo nguồn vốn các chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hỗ trợ trâu, bò giống là chính sách rất thiết thực, trực tiếp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo bền vững. Ðồng thời, góp phần giúp các địa phương hoàn thành một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội như: Chỉ tiêu về giảm nghèo, tăng tổng đàn gia súc, đào tạo nghề… Hiệu quả chương trình là thấy rõ nhưng để thực hiện hiệu quả các dự án theo mục tiêu chương trình đề ra là cả một quá trình khó khăn đối với các chủ đầu tư là chính quyền cấp xã, trong đó có việc lựa chọn con giống. Thực tế hiện nay, một số chủ đầu tư đang còn rất lúng túng giữa việc lựa chọn con giống tại địa phương hay con giống do nhà thầu cung ứng từ các địa phương khác ngoài tỉnh. Mỗi địa phương có một cách làm, sự lựa chọn riêng. Có địa phương lựa chọn con giống bản địa; có địa phương lựa chọn con giống từ các nhà thầu cung ứng giống, cũng có địa phương lựa cho cả 2 phương pháp trên. Các địa phương đều đưa ra lý do cho các lựa chọn con giống được hỗ trợ, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Lựa chọn con giống tại địa phương, ưu điểm là có thể giám sát được chất lượng, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng nhược điểm là sau hỗ trợ không giúp tăng tổng đàn gia súc địa phương, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển kinh tế. Lựa chọn con giống từ địa phương khác ngoài tỉnh thì giúp tăng tổng đàn gia súc nhưng lại khó kiểm soát dịch bệnh, trâu bò cần có thời gian để tích nghi với điều kiện ở địa phương nên phát triển chậm hơn giống địa phương.

Tại huyện Nậm Pồ, chính sách hỗ trợ trâu, bò giống được thực hiện bằng rất nhiều nguồn vốn như: Chương trình 30a; Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Ðề án xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới; Ðề án 79… Giai đoạn 2014 - 2018, huyện Nậm Pồ đã triển khai hỗ trợ gần 2.200 con trâu, bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo. Qua triển khai, phần lớn chủ đầu tư là UBND các xã đều lựa chọn hình thức nhà thầu cung ứng con giống. Ông Cháng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng cho biết: Thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ trâu, bò giống cho người dân, UBND xã Nà Bủng chọn phương án để người dân tiếp nhận con giống từ các nhà thầu cung ứng. Lý do là vì tại địa phương không thể cung cấp đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn theo yêu cầu, quy định. Bên cạnh đó, xã Nà Bủng có khoảng 200 người nghiện ma túy, mà 100% hộ có người nghiện đều được hỗ trợ trâu, bò từ chính sách Nhà nước. Do đó, nếu để các hộ tự mua bán trâu bò tại địa phương thì xã rất khó quản lý, giám sát. Ðơn cử như năm 2018, UBND xã đứng ra kết nối với 1 nhà thầu cung ứng trâu, bò và gọi các hộ được thụ hưởng đến xem, kiểm tra và lựa chọn con giống phù hợp với từng hộ. Nà Bủng là xã đặc biệt khó khăn của huyện nên các dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân là rất cần và thiết thực, song qua nhiều năm triển khai nhận thấy việc thực hiện chính sách hỗ trợ trâu, bò giống cho người dân hiệu quả mang lại không cao. Theo thống kê của UBND xã Nà Bủng, từ năm 2014 đến nay toàn xã có khoảng 70% số trâu, bò hỗ trợ đã bị chết hoặc người dân bán lấy tiền phục vụ mục đích khác. Chính vì vậy, xã Nà Bủng kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên chuyển nguồn vốn hỗ trợ trâu, bò giống sang đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Năm 2019, từ nguồn vốn chương trình MTQG về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) được hỗ trợ 59 con bò giống. Ðến nay, xã đã hỗ trợ 43 con cho 43 hộ nghèo và cận nghèo. Ông Lò Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ trâu, bò giống, xã ưu tiên để người dân lựa chọn hình thức cung ứng con giống tại chỗ. Nếu hộ nào tìm được con giống tại địa phương đúng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đăng ký với UBND xã, khi đó xã sẽ có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục để bà con luân chuyển con giống tại địa bàn. Nếu hộ dân nào không tìm được con giống phù hợp thì UBND xã sẽ giúp kết nối với các nhà thầu cung ứng. Năm 2019, trong số 59 con bò giống được hỗ trợ có 13 con được các hộ luân chuyển tại địa bàn (chủ yếu 5 bản vùng cao), số còn lại được cung ứng từ ngoài địa phương. Vừa qua, UBND xã đã thông báo rộng rãi cho các nhà thầu cung ứng giống tại Ðiện Biên về nhu cầu của người dân để họ đến làm việc trực tiếp với người dân. Ðược biết, trước khi đồng ý nhận con giống, các hộ dân được nhà thầu mời đến tận trang trại chăn nuôi để lựa chọn con giống phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Ðối với việc lựa chọn con giống, nguồn gốc con giống, quan điểm chỉ đạo của huyện là ưu tiên các hộ luân chuyển trâu bò trên địa bàn, nếu không đủ điều kiện thì mới cung ứng bên ngoài vào. Tuy nhiên, nếu lấy nguồn từ bên ngoài thì phải tuân thủ đúng quy trình, quy định và đảm bảo độ an toàn, chất lượng con giống trước khi giao cho người dân. Hiện nay, đối với nguồn cung ứng ngoài địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ nghiệm thu, xác định chất lượng con giống để đưa vào địa bàn huyện. Ðối với các hộ luân chuyển tại địa bàn, UBND huyện yêu cầu UBND các xã phải kiểm soát chặt chẽ quá trình luân chuyển con giống, tránh tình trạng mượn trâu, bò để hưởng chính sách hỗ trợ và phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tùy điều kiện thực tế, các địa phương có sự lựa chọn khác nhau về con giống, nguồn gốc con giống để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn là con giống phải đảm bảo đúng, đủ các điều kiện bắt buộc như: Cân nặng, tuổi đời… trước khi cấp. Các hộ dân được thụ hưởng phải nâng cao trách nhiệm, chú trọng công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho trâu, bò; chính quyền các xã phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư. Có như thế, trâu, bò giống được hỗ trợ mới phát huy hiệu quả như kỳ vọng, đúng như mục tiêu các dự án đề ra.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top