Phát triển kinh tế tập thể còn không ít khó khăn

08:51 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 12879 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, những năm qua tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế tập thể được củng cố, xây dựng và có bước phát triển tích cực; số lượng hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) thành lập mới tăng đáng kể, quy mô ngày càng được mở rộng, từng bước đa dạng ngành nghề; hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng nâng cao, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho thành viên và người lao động. Một số HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Ðiện Biên Phủ; HTX Thủy sản Pe Luông; HTX sản xuất vật liệu xây dựng Hà Nam Bình...

Xã viên HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh sản xuất đồ gỗ dân dụng.

Ðến nay, toàn tỉnh đã có 200 HTX với hơn 13.000 thành viên. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 122 HTX; công thương 36 HTX; xây dựng và sản xuất vật liệu 37 HTX và 5 HTX trong lĩnh vực vận tải. Các HTX tạo việc làm thường xuyên cho trên 12.300 lao động. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 424 THT với 3.618 thành viên tham gia. Hoạt động của các THT được chia thành 2 lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản chiếm 89,7% và lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 10,3%. Theo tính toán, đối với HTX, doanh thu bình quân đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/năm; trong đó lợi nhuận bình quân 139 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên, lao động đạt gần 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ðóng góp của khu vực kinh tế HTX vào GDP của tỉnh đạt 0,65% (năm 2018). Ðối với THT, nhìn chung hoạt động đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ðến nay, doanh thu trung bình của THT đạt 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 26 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, việc phát triển kinh tế tập thể nhìn chung còn chậm, chưa cân đối, đồng đều giữa các vùng, lĩnh vực; chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vị trí, vai trò tác động của kinh tế tập thể đối với nền kinh tế của tỉnh, của hộ gia đình còn hạn chế; đóng góp vào GDP của tỉnh chưa cao; chưa đủ sức đảm nhiệm vai trò cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn đó trước hết là từ nội tại của các HTX, THT. Nhiều đơn vị chưa chú trọng việc liên doanh, liên kết; chưa quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường đầu ra sản phẩm; chưa gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, hoạt động còn manh mún. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, người lao động chưa được quan tâm, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số HTX, THT yếu kém, thậm chí giải thể. Theo thống kê, trong số 200 HTX chỉ có 146 HTX đang hoạt động, còn lại đã dừng hoạt động hoặc giải thể. Trong số các HTX đang hoạt động thì tỷ lệ đạt khá, giỏi có 51 HTX; 81 HTX trung bình; 14 HTX yếu kém. Trong giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 55 HTX đã giải thể, trong đó nguyên nhân chính là hoạt động kém hiệu quả.

Ðối với các THT, do quy mô nhỏ (chỉ từ 3 người trở lên), năng lực của thành viên trong THT hạn chế; cách thức quản lý chưa rõ ràng, minh bạch, trình độ khoa học công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế nên phần lớn THT gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng. Trên thực tế, nhiều THT hoạt động không thường xuyên, chỉ mang tính mùa vụ, tự phát, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở; tổ chức của THT thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, không bảo đảm tính ổn định, bền vững.

Nguyên nhân khách quan là chính sách hỗ trợ của Nhà nước mặc dù đã được ban hành, nhưng thiếu sự quan tâm của các cấp, ngành. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho các THT chưa có văn bản quy định cụ thể; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tỉnh miền núi. Việc tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất cũng luôn là “bài toán” khó đối với các HTX, đặc biệt các THT. Các HTX chưa tiếp cận được các khoản tín dụng dài hạn để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Sau 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, số HTX tiếp cận được với các nguồn vốn rất hạn hẹp. Trong 200 HTX chỉ có khoảng hơn 20 HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; 15 HTX tiếp cận được chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm 2019 đến nay chỉ có 3 HTX được được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với tổng số tiền 500 triệu đồng. Còn đối với các THT thì gần như không tiếp cận được các nguồn vốn..

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top