Lợn hơi tăng giá, cần thận trọng tái đàn

08:52 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 13982 In bài viết

ĐBP - Sau thời gian giảm giá do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, từ đầu tháng 10 trở lại đây, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn, bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Hộ chăn nuôi lợn tại tổ dân phố 4, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) xuất bán lợn cho thương lái.

Giá lợn liên tục tăng

Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giá lợn hơi thương phẩm trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg giảm xuống 40.000 - 45.000 đồng/kg và duy trì trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trở lại đây, giá lợn hơi liên tục tăng. Cụ thể, đầu tháng 10 giá lợn hơi đã tăng lên 55.000 - 60.000 đồng/kg; gần đây, giá lợn hơi tiếp tục tăng cao và hiện nay đạt 64.000 - 66.000 đồng/kg. Ðây được xem là mức giá cao “kỷ lục” trong vài năm qua.

Tuy giá lợn hơi tăng mạnh, song nguồn cung khan hiếm do nhiều người chăn nuôi chưa tái đàn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất huyện Mường Chà với hơn 200 con lợn thịt và gần 30 con lợn nái, song thời điểm này, trong khu chuồng nuôi của gia đình anh Bùi Văn Kiều, tổ dân phố 13, thị trấn Mường Chà chỉ có 30 con lợn thịt chuẩn bị xuất bán và 22 con lợn nái. Anh Kiều chia sẻ: Thời điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, mặc dù đàn lợn của gia đình tôi không bị mắc dịch bệnh, nhưng lo đàn lợn bị ảnh hưởng nên tôi đã xuất bán hơn 100 con với giá 50.000 đồng/kg. Ðến nay khi giá lợn hơi tăng cao thì gia đình không còn nhiều lợn để bán. 

Chị Nguyễn Thị Tình, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Giá lợn hơi tăng, do vậy thịt lợn thành phẩm các loại cũng tăng cả chục giá, như: Thịt mông, ba chỉ hiện có giá 100.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg so với những tháng trước), xương sườn 110.000 đồng/kg. Mặc dù giá thịt lợn tăng nhanh nhưng sức mua của người tiêu dùng không giảm mà vẫn giữ ổn định. 

Ngoài lợn thương phẩm, thị trường lợn giống cũng sôi động khi giá cả liên tục tăng. Hiện nay, trung bình 1 con lợn giống 10kg có giá 1,7 triệu đồng, tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/con. Tuy nhiên, nguồn cung lợn giống hiện cũng khá khan hiếm do nhiều người chăn nuôi trước đó đã phá đàn, bán rẻ lợn nái và lợn con để tránh lỗ.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, giá lợn hơi trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng cao và chỉ ổn định khi nguồn cung được đảm bảo. Trước mắt, để đảm bảo cân đối cung - cầu, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thay thế thịt lợn bằng thịt gia cầm, thủy cầm, thủy sản... Với người chăn nuôi, nên xuất chuồng đàn lợn theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, tránh tâm lý “găm hàng” chờ giá.

Không vội tái đàn

Lý giải nguyên nhân lợn tăng giá mạnh, ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng: Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi đã bán tháo đàn. Cùng với đó, số lượng lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi lớn trong khi hoạt động tái đàn chưa theo kịp khiến sản lượng thịt giảm sút cục bộ ở một số thời điểm. Thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 15/10, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 100 xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy 22.459 con, trong đó, chủ yếu là lợn thịt và lợn con chiếm hơn 17.100 con. Nguồn cung trên địa bàn cả trong và ngoài tỉnh giảm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá lợn hơi tăng cao.

Sau khi giá lợn hơi tăng trở lại, nhiều hộ dân có ý định tái đàn nhưng vẫn còn lo lắng nên chỉ tái đàn một cách cầm chừng mà chưa dám tăng đàn vội vã. Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể tránh thiệt hại khi đầu tư chăn nuôi lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người chăn nuôi không được tự ý tăng đàn trong thời điểm này. Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu hộ chăn nuôi không thực hiện tái đàn khi trên địa bàn chưa công bố hết dịch. Ðối với trường hợp địa bàn đã công bố hết dịch, cần cân nhắc kỹ thời điểm hướng dẫn cơ sở nuôi tái đàn. Việc tái đàn không thực hiện ồ ạt mà chỉ nuôi với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi. Sau khi tái đàn được 30 ngày, kiểm tra, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi, nếu kết quả xét nghiệm âm tính khi đó mới tiếp tục tăng đàn. Ðồng thời hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Bởi mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát nếu không áp dụng biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top