Thanh toán không dùng tiền mặt

Bài toán khó cho khu vực nông thôn

08:44 - Thứ Tư, 23/10/2019 Lượt xem: 10603 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán qua thẻ tín dụng dần gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ người sử dụng tiền mặt vẫn còn cao, đặc biệt tại khu vực nông thôn trước những khó khăn về hạ tầng dịch vụ cũng như những rào cản về nhận thức và thói quen của người dân.

Người dân đến giao dịch tại phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Ðiện Biên.

Thanh toán không sử dụng tiền mặt là xu thế tất yếu, bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho cả người dân và nền kinh tế như: Giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán nhanh, an toàn; nâng cao hiệu quả sử dụng các dòng vốn; chống thất thu thuế, hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền, tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, các khoản chi tiêu... Theo Ðề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, có mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng doanh số thanh toán trong ngân hàng ở mức thấp hơn 20% vào cuối năm 2020; các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt hầu hết tại các huyện, thị, thành phố; trên 90% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng dịch vụ trong toàn tỉnh có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 100% đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 19.260/30.120 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động và đối tượng khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản. Số lượng giao dịch qua các máy POS đạt gần 39.500 món với giá trị thanh toán trên 76,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu giảm tỷ trọng chi tiêu tiền mặt xuống dưới 20% đến cuối năm 2020 vẫn được xem là thách thức lớn; đặc biệt tại khu vực nông thôn, địa bàn vùng cao. Trước hết về hạ tầng dịch vụ, đến nay toàn tỉnh có 9 đơn vị là các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước tỉnh tham gia vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp cho khách hàng nhiều kênh thanh toán như: Thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ATM/POS... Nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ lắp đặt được 31 máy ATM và 111 máy POS. Trong đó, các máy này được lắp đặt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa, TX. Mường Lay.

Huyện Ðiện Biên Ðông cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ khoảng hơn 50km, nhưng đến nay chưa được lắp đặt máy ATM. Chính vì vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện chưa thực hiện được. Theo ông Nguyễn Văn Tăng, Chánh Văn phòng UBND huyện Ðiện Biên Ðông, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện rất khó khăn; đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ðiển hình là việc chi lương hàng tháng, nếu trả qua thẻ ATM thì sẽ gây khó khăn cho người được hưởng lương bởi muốn rút tiền phải vào ngân hàng hoặc ra TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên mới có điểm ATM. Hơn nữa, mỗi lần rút, số lượng tiền không nhiều, nếu vào ngân hàng thì sẽ mất thời gian cho người rút tiền và ngân hàng. Ðặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ các xã, nếu chi trả lương qua ATM sẽ rất bất tiện.

Ngoài vấn đề hạ tầng dịch vụ thì để thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân không dễ, nhất là người dân nông thôn. Việc sử dụng thẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử chiếm phần lớn là bộ phận người trẻ, độ tuổi từ 18 - 35, sinh sống trên địa bàn thành thị.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top