Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công

08:41 - Thứ Sáu, 25/10/2019 Lượt xem: 11190 In bài viết

ĐBP - Ðể nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, ngày 25/6/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1651/KH-UBND về triển khai thực hiện Ðề án Ðẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Ðến nay, những kết quả quan trọng bước đầu đã góp phần giảm chi phí, thời gian và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ðến thời điểm hiện tại, số đơn vị thực hiện giao dịch, chi trả lương qua Kho bạc Nhà nước của lĩnh vực y tế, giáo dục bằng tài khoản trên địa bàn là 535 đơn vị (gồm 45 đơn vị sở, ngành tỉnh và TP. Ðiện Biên Phủ; tại các huyện, thị là 490 đơn vị), số lượng món giao dịch từ đầu năm đến nay là 400 giao dịch, tổng số tiền 77,6 tỷ đồng. Một số ngân hàng đã và đang chủ động tiếp cận, triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công (y tế, giáo dục, chi trả các chương trình an sinh xã hội) như: Thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử.

Cụ thể, đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã triển khai thu hộ học phí đối với một số trường đại học như: Ðại học Kinh tế Quốc dân, Ðại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ, Ðại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính... Các trường đại học này cung cấp số liệu của sinh viên để ngân hàng cập nhật vào phần mềm thu hộ học phí, từ đó các sinh viên có thể nộp học phí, bảo hiểm y tế... tại quầy giao dịch của ngân hàng hoặc thực hiện nộp tiền trên các ứng dụng ngân hàng điện tử của LienVietPostBank. Tổng số giao dịch dịch vụ thu học phí, chi trả an sinh xã hội qua tài khoản của LienVietPostBank đến tháng 9/2019 là 606 giao dịch với tổng giá trị 3,1 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên (Agribank Ðiện Biên) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán.

Ðối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, hiện nay các ngân hàng: Agribank Ðiện Biên, BIDV Ðiện Biên, Vietinbank Ðiện Biên; LienVietPostBank đã ký thỏa thuận liên ngành với Bảo hiểm Xã hội Ðiện Biên trong việc thu nợ bảo hiểm xã hội, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại quầy hoặc qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng. Ðến hết tháng 9/2019, Vietinbank Ðiện Biên đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua tài khoản, số lượng tài khoản hiện nay là 295 tài khoản với doanh số hàng tháng đạt 1,9 tỷ đồng. Agribank Ðiện Biên có 168 trường học và 3 đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đăng ký trả lương qua tài khoản. Còn đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, hiện nay Vietinbank Ðiện Biên đang làm việc với Sở Y tế về giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, bao gồm: Thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua POS, QR Code tĩnh, thu hộ qua File..., đồng thời tiếp cận thử nghiệm việc lắp đặt POS tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn. Tại các cơ sở y tế, một lượng lớn bệnh nhân là người già, người có thu nhập thấp và không sử dụng dịch vụ ngân hàng do đó chưa thể thanh toán trên các thiết bị chấp nhận thẻ của ngân hàng tại các cơ sở y tế. Việc kết nối các phần mềm giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán với hệ thống thông tin của các cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khó khăn như: Ðầu tư phần mềm chi phí cao, kết nối chưa tương thích, việc chia sẻ thông tin và truy xuất dữ liệu còn hạn chế hoặc trình độ nhân lực sử dụng phần mềm còn thấp; thiếu sự đồng bộ, liên kết giữa các ngành. Bên cạnh đó, phí dịch vụ thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và các bệnh viện, trường học chưa có các cơ chế trả phí này. Mặt khác, các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử… của các ngân hàng khác nhau chưa kết nối liên thông khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top