Chậm giải ngân vốn đầu tư công

08:37 - Thứ Hai, 28/10/2019 Lượt xem: 12497 In bài viết

ĐBP - Năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 2.539,671 tỷ đồng (trong đó, vốn giao năm 2019 là 1.928,152 tỷ đồng và vốn năm 2018 được phép kéo dài sang năm 2019 là 611,519 tỷ đồng). Ngay sau khi được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính phân bổ nguồn vốn, UBND tỉnh đã triển khai phân bổ chi tiết theo quy định hiện hành (đến nay, tỷ lệ phân bổ vốn đạt 100%). Ðồng thời, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Tuy nhiên đến nay, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Tính đến 31/8/2019, toàn tỉnh mới giải ngân được 914,826 tỷ đồng, đạt 36% so với kế hoạch vốn giao.

Dự án Ðường 60m chậm tiến độ vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước; tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Ðến hết 30/9/2019, toàn tỉnh dự ước giải ngân đạt 1.890,4 tỷ đồng (đạt 74,4% kế hoạch vốn giao). Nhìn chung do tâm lý ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu và do đặc thù của hoạt động đầu tư nên tỷ lệ giải ngân vốn sẽ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Một số dự án vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật; tiến độ các dự án bị ảnh hưởng do mưa lũ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của nhiều dự án khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó bố trí di dời tái định cư... Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức triển khai thực hiện như: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn; công tác giao kế hoạch chậm so với yêu cầu tiến độ...

Vốn chương trình mục tiêu (Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các vùng, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc phòng - an ninh trên địa bàn trọng điểm) mới được giao kế hoạch bổ sung 37,229 tỷ đồng tại Quyết định số 1291/QÐ-BKHÐT ngày 30/8/2019 nên chưa có thời gian để giải ngân, số vốn còn lại chưa giao là 30 tỷ đồng. Ðối với vốn chương trình 30a, do yêu cầu về thời gian cho công tác trồng rừng sản xuất kéo dài nên hầu hết các huyện đều chưa có khối lượng nghiệm thu, thanh toán giải ngân phần hỗ trợ sản xuất. Một số huyện như: Mường Nhé và Nậm Pồ đăng ký giao vốn lớn hơn nhu cầu thực tế nên dự ước năm 2019 chỉ có khả năng giải ngân hết số vốn kéo dài từ năm trước chuyển sang, còn phần kế hoạch vốn năm 2019 đề nghị thanh toán kéo dài sang năm 2020. Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở huyện Mường Ảng chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ðến nay, vẫn còn 13% tổng kế hoạch vốn năm 2019 chưa được phân bổ chi tiết do dự án chưa đủ điều kiện theo Luật Ðầu tư công tại 3 huyện: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông và Nậm Pồ. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn nông thôn mới kéo dài từ năm 2018 sang năm 2019 đạt rất thấp (0,51%). Nguyên nhân là do đa phần các dự án ở vùng sâu, vùng xa, trình độ năng lực quản lý cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc thẩm định dự án, giải ngân còn chậm; một số huyện chưa quan tâm, chưa có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Tương tự, các nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn ODA năm 2019 đều chung tình trạng giải ngân chậm. Nguyên nhân chậm giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; một số đơn vị chậm lập, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành và lập hồ sơ thanh toán vốn. Ðiển hình như Dự án Ðường Na Sang - Trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức -  thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng hoặc các dự án kiên cố hóa trường lớp học năm 2019... Ðối với nguồn vốn ODA đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa được Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cấp vốn để giải ngân (điển hình là Dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả).

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân tối đa kế hoạch vốn giao. Nếu dự án nào không có khả năng thực hiện chủ động đề xuất chuyển nguồn cho các dự án khác. Ðến hết niên độ ngân sách cho phép, các chủ đầu tư không thực hiện giải ngân hết số vốn được giao dẫn đến bị hủy bỏ, thu hồi chuyển trả ngân sách Trung ương gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của tỉnh thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Ðồng thời, UBND tỉnh sẽ không bố trí nguồn cân đối ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác cho thanh toán khối lượng nợ đọng đối với các trường hợp này.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top