Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất

08:48 - Thứ Hai, 04/11/2019 Lượt xem: 14112 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất bạc màu, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện chủ trương này trong những năm qua, toàn tỉnh đã tích cực triển khai bằng nhiều cách làm cụ thể mang lại hiệu quả; khai thác tốt tiềm năng, ổn định sản xuất cho người dân.

Mô hình trồng cà chua trên diện tích đất lúa kém hiệu quả ở xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên).

Huyện Ðiện Biên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích đất bạc màu, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả. Hiện nay, trung bình mỗi vụ lúa toàn huyện gieo cấy từ 4.000 - 5.000ha. Huyện đã quy hoạch tập trung, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao toàn huyện luôn đạt khoảng 6.100ha/năm, chiếm 64% tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ, giá trị tăng 20 - 25% so với sản xuất lúa thường. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động khảo nghiệm, đưa các giống lúa mới phù hợp vào sản xuất thay thế cho các bộ giống cũ đã thoái hóa. Ðiển hình là vụ đông xuân năm 2015 - 2016, lần đầu tiên huyện Ðiện Biên đưa giống lúa Séng cù vào trồng thử nghiệm và thay thế một số giống cũ. Qua tổng kết đánh giá, giống Séng cù mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí cao hơn cả giống Bắc thơm số 7. Ðến nay, bình quân mỗi vụ, toàn huyện gieo cấy gần 900ha lúa Séng cù; năng suất trung bình đạt từ 55 - 65 tạ/ha; giá bán từ 14.000 - 16.000 đồng/kg thóc và trên 20.000 đồng/kg gạo. Các xã vùng ngoài: Mường Lói, Mường Phăng, Nà Tấu, Nhà Nhạn, Mường Pồn, cũng đã đưa một số loại giống mới vào sản xuất thử nghiệm, như: ADI 128, ADI 168 và HDT10. Bước đầu cho thấy nhiều ưu việt, nổi trội hơn so với các giống lúa thuần như: Thời gian sinh trưởng ngắn (vụ đông xuân 120 - 130 ngày, vụ mùa 100 - 110 ngày); khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn; bông to, tỷ lệ hạt chắc cao. Ðặc biệt, năng suất trung bình đạt trên 70tạ/ha. Ngoài cây lúa, đến nay nhiều diện tích đất lúa một vụ kém hiệu quả đã được nông dân huyện Ðiện Biên chuyển đổi sang trồng rau màu và hình thành vùng sản xuất rau tập trung tại các xã Noong Luống, Thanh Hưng, Thanh Xương, Pom Lót… Hiện nay, tổng diện tích trồng rau màu các loại trên địa bàn huyện đạt gần 3.000ha.

TP. Ðiện Biên Phủ cũng là một trong những địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua rà soát, toàn thành phố có 37ha đất kém hiệu quả cần chuyển đổi gồm 35ha trồng lúa nương với năng suất chỉ đạt khoảng 10 tạ/ha; 2ha lúa ruộng 1 vụ với năng suất 25 tạ/ha. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chuyển đổi 35ha sang trồng cây ăn quả, gồm: nhãn, chuối, bưởi, dứa, thanh long và chuyển 2ha sang trồng cây làm thức ăn cho gia súc.

Theo thống kê, trong 2 năm (2017, 2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi từ đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp là 1.136,73ha. Ðặc biệt, để cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp với từng địa phương, cuối năm 2018, tỉnh đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại một số cây trồng chính như: Lúa nước đến năm 2020 diện tích đạt 27.750ha, năng suất bình quân đạt 53,5 tạ/ha, sản lượng 148.446,5 tấn; tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm với quy mô 2.500ha tại các huyện: Ðiện Biên (1.800ha), Tuần Giáo (250ha), Mường Ảng (250ha) và TP. Ðiện Biên Phủ (200ha). Ðối với cây rau màu, đẩy mạnh sản xuất rau trái vụ, xây dựng các vùng rau chuyên canh, rau an toàn theo hướng liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ðến năm 2020, toàn tỉnh có 5ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và 300ha sản xuất rau an toàn tại huyện Ðiện Biên, huyện Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ...  Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển đổi cây trồng theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng như: Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung phát triển chăn nuôi bò, lúa, ngô, mắc ca, cà phê, cây ăn quả, rừng sản xuất, sơn tra, dược liệu. Huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trồng mắc ca, rau an toàn, lợn, gia cầm, bò sữa. Vùng Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà phát triển chăn nuôi trâu, trồng rừng phòng hộ, trồng mắc ca, phát triển dược liệu, nuôi ong…

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top