Cần giải pháp phát triển bền vững cho cây dứa Mường Chà

08:35 - Thứ Tư, 06/11/2019 Lượt xem: 14611 In bài viết

ĐBP - Chiếm 62,3% so với tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn toàn tỉnh, từ nhiều năm nay dứa đã và đang là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu chủ yếu cho nhiều hộ nông dân huyện Mường Chà. Tuy nhiên, để dứa đem lại hiệu quả bền vững, phù hợp với quy hoạch cây trồng tại địa phương là vấn đề huyện Mường Chà cần quan tâm giải quyết.

Nông dân xã Na Sang (huyện Mường Chà) tập kết dứa bán cho thương lái.

Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dứa ở Mường Chà được đánh giá có chất lượng tốt, quả thơm ngon. So với các loại cây trồng khác thì dứa dễ trồng hơn, ít công chăm sóc, cho thu nhập cao hơn. Ðiển hình như vụ dứa năm 2018, toàn huyện có trên 175ha, năng suất 15 tấn/ha; sản lượng khoảng 2.625 tấn; sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta dứa cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây dứa, nông dân Mường Chà đã không ngừng mở rộng diện tích. Ðến nay toàn huyện đã có gần 193ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Na Sang và Sa Lông. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc trồng dứa của người dân vẫn còn tự phát, chưa có kế hoạch, mục tiêu phát triển cụ thể. Bởi vậy, người trồng dứa ở Mường Chà phải đối mặt với nhiều nỗi lo như: Giá cả bấp bênh, chất lượng, đầu ra không ổn định…

Thực hiện Quyết định số 3073/QÐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Ðề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”, tháng 3/2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn. Thực hiện mô hình là Hợp tác xã Na Sang với 54 hộ dân tham gia, quy mô 61ha. Tham gia mô hình, người trồng dứa được hỗ trợ kỹ thuật bón lót, làm cỏ từ khi trồng đến khi thu hoạch. Cuối tháng 11/2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm dứa đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hợp tác xã Na Sang. Cùng với đó, Chi cục đã hỗ trợ 5.000 tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm. Sau khi mô hình kết thúc, sản phẩm dứa Mường Chà đã được đưa vào bày bán tại Siêu thị Tâm Ðỏ (TP. Ðiện Biên Phủ); gian hàng trưng bày sản phẩm rau - củ - quả an toàn của Công ty Thực phẩm an toàn Safe Green (TP. Ðiện Biên Phủ) và một số đơn vị bao tiêu sản phẩm an toàn tại Hà Nội.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang cho biết: Khi chưa tham gia mô hình thí điểm, dứa Mường Chà rất khó tiêu thụ, giá thấp. Với gần 200ha dứa, tập trung tại hai xã Mường Mươn và Na Sang, nhưng mùa thu hoạch dứa người dân phải mang bán lẻ khắp nơi. Quãng đường di chuyển xa, trong khi dứa là loại quả nhanh hỏng, khiến người trồng rất nản lòng. Sau khi triển khai mô hình, người trồng dứa hiểu sâu hơn về kỹ thuật sản xuất, giảm chi phí, sản phẩm lại an toàn, có địa chỉ tiêu thụ, tăng thu nhập. Vụ đầu triển khai mô hình, đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu được hơn 1.300 tấn dứa cho người dân. Dự kiến, vụ dứa năm nay, đơn vị sẽ ký kết bao tiêu trên 2.000 tấn dứa với giá thu mua bình quân từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng, còn trọng lượng quả, số lượng thì không đảm bảo, bởi người dân còn hạn chế vốn đầu tư phân bón cho cây dứa. Bởi vậy, các cấp, ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để mô hình phát triển bền vững hơn.

Theo Kế hoạch số 2982/KH - UBND, ngày 16/10/2018 của UBND tỉnh về định hướng phát triển cây ăn quả. Ðối với cây dứa, định hướng đến năm 2020 phát triển diện tích tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha, trong đó huyện Mường Chà từ 220 - 320ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ, nghiên cứu quy trình giải vụ trong năm. Ðể đầu ra cho sản phẩm dứa ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là thực hiện chủ trương mỗi xã có một sản phẩm nông nghiệp chủ lực thì cần có giải pháp hiệu quả xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất dứa. Việc xây dựng vùng dứa nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người dân có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động đối với chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại thu nhập cao, từng bước xây dựng cây dứa thực sự là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo tại huyện Mường Chà.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top