Hướng đến nền sản xuất an toàn, hiệu quả

08:33 - Thứ Năm, 07/11/2019 Lượt xem: 13338 In bài viết

ĐBP - Nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất; góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cũng như bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, thì sản xuất hữu cơ đang và sẽ là hướng đi tất yếu.

Anh Trần Trung Dũng, đội 17, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ tự nhiên là dế cho đàn gia cầm.

Mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất

Trang trại rộng 3ha của chị Nguyễn Lan Hương, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) có địa hình đất dốc, dễ xói mòn. Trước đây, các loại cây ăn quả được trồng như: cam lòng đỏ, bưởi da xanh, đu đủ ruột đỏ kém phát triển, hay bị chết, chất lượng quả không cao. Ðể trồng trọt mang lại hiệu quả, qua tham quan, học hỏi tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh, chị Hương trồng thử nghiệm cỏ Vetiver xung quanh các gốc cây ăn quả. Nhờ các đặc tính như: Có bộ rễ rất phát triển, bám chắc vào đất, mọc nhanh và ăn sâu vào lòng đất; khả năng chịu hạn và chịu nước rất tốt... cỏ Vetiver tạo điều kiện tốt cho sự phát triển và sinh trưởng của các loài vi khuẩn và nấm, giúp cho quá trình phân hủy và hấp thụ các dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng tốt hơn. Ngoài ra, tinh dầu thơm đặc trưng từ rễ cỏ tiết ra giúp xua đuổi các loại côn trùng và giảm thiểu mùi khó chịu do những nhân tố khác gây ra. Cùng với trồng cỏ Vetiver, chị Hương đầu tư hệ thống phun tưới nước tự động; bón phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ đỗ tương và cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP. Kết quả, sau hơn một năm trồng cỏ vetiver tại trang trại, các loại cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản phẩm mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn so với mặt bằng chung từ 20 - 30% nhưng sản phẩm trái cây của trang trại chị Hương vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Còn với anh Trần Trung Dũng, đội 17, xã Thanh Xương, sau một thời gian chăn nuôi gia cầm theo hình thức công nghiệp không hiệu quả do vốn đầu tư lớn, thị trường không ổn định… anh Dũng chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Tận dụng cơ sở vật chất về chuồng nuôi sẵn có, với nhiều gian chuồng cho từng giai đoạn phát triển của gia cầm, anh Dũng đầu tư nuôi gà theo hướng hữu cơ. Nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là bột trộn giữa gạo và ngô. Ðể bổ sung đạm, các chất dinh dưỡng thiết yếu cho đàn vật nuôi, anh Dũng sử dụng loại thức ăn đặc biệt là dế và nhộng ruồi lính đen. Ðể chủ động nguồn cung cấp thức ăn đặc biệt này, anh Dũng tự thiết kế chuồng để nuôi.

Anh Dũng chia sẻ: Nuôi dế và ruồi lính đen cũng không khó lắm. Vòng đời phát triển của chúng ngắn, khoảng 30 - 45 ngày. Chi phí ban đầu khoảng vài trăm nghìn để làm chuồng hay máng để nuôi; chi phí thức ăn cũng thấp bởi chúng chỉ phân hủy các chất hữu cơ trong chất thải gia súc, rau quả, thức ăn thừa của các quán ăn... Ðối với ruồi lính đen thì giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy hàng tấn phế phẩm nông sản. Ðặc biệt, giá trị dinh dưỡng cao, với 60% độ đạm hữu cơ tự nhiên, ấu trùng ruồi lính đen tốt và an toàn cho vật nuôi hơn cám công nghiệp. Loại thức ăn này mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải trong nông nghiệp để tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và phân hữu cơ bón cho cây trồng. Hiện nay, anh Dũng đang duy trì 5 chuồng nuôi dế (mỗi chuồng rộng 2 - 3m, dài 1m) và hơn 10 khay nuôi ruồi lính đen (rộng 1m, dài 6m).

Ngoài tiêm các loại vắc xin định kỳ theo hướng dẫn, chỉ định của cơ quan chuyên môn, ở những giai đoạn sinh trưởng khác nhau anh Dũng sử dụng các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn gà như: Trong lồng ấp thì sử dụng rượu tỏi hay các chế phẩm từ tỏi (tinh dầu tỏi, tỏi sống giã nhuyễn hòa vào nước cho gà uống để tăng sức đề kháng); ở giai đoạn lớn hơn thì sử dụng những loại kháng sinh tự nhiên như lá ổi, xuyến chi... để hỗ trợ chữa một số bệnh thường gặp trên đàn gà.

Nỗ lực phát triển sản xuất hữu cơ 

Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: Gạo hữu cơ, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh ta mới ở quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Việc sản xuất hữu cơ mới ở mức độ sản phẩm sạch, an toàn chứ chưa đạt chuẩn sản phẩm hữu cơ. Với giá bán cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản phẩm thường nhưng chất lượng của sản phẩm hữu cơ bị đánh đồng với các sản phẩm nông nghiệp thông thường khác nên sản xuất hữu cơ gặp khó khăn. Trong khi chi phí chứng nhận hữu cơ cao, thời gian chứng nhận kéo dài, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ. Ðể mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cần nhiều thời gian, kinh phí mà cùng với việc ban hành chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sản xuất hữu cơ; có hướng dẫn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp, người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất theo một quy trình thống nhất. Ðồng thời, có cơ chế khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top