Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Giữ màu xanh cho rừng đặc dụng

09:09 - Thứ Hai, 18/11/2019 Lượt xem: 10781 In bài viết

ĐBP - Rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ gìn nguồn gen sinh vật rừng phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú trong hệ sinh thái thiên nhiên. Nhưng để bảo vệ những cánh rừng trước tác động xấu do con người gây ra, đã in dấu biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ kiểm lâm trong Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cùng nhân dân trên địa bàn xã Chung Chải kiểm tra rừng đặc dụng.

Cơn mưa rừng vừa ngớt, cũng là lúc những cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn đi tuần tra; đây được coi là công việc thường xuyên của những người giữ rừng nơi đây. Cùng xuyên rừng tuần tra, chúng tôi mới cảm nhận hết được những vất vả, gian nan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong Khu Bảo tồn. Hành trình leo núi, vượt suối để đến đầu nguồn càng xa hơn khi cơ thể đã thấm mệt, vậy mà các anh vẫn đi bộ băng băng dưới tán rừng đại ngàn và vượt qua những dốc cao. Dù lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, song câu chuyện của những người giữ rừng vẫn diễn ra khá rôm rả. Vừa đi, anh Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé vừa nói: “Mặc dù địa bàn rộng, biên chế của Ban lại hạn chế nhưng trong những năm qua, công chức, viên chức của Ban luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng được giao. Vậy nên, mấy năm nay không để mất rừng do cháy; hạn chế tối đa tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản”.

Cùng đi tuần tra với chúng tôi còn có bà con dân bản Nậm Pắc, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé). Thấy Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé nói vậy, anh Lỳ Phù Dèn, bản Nậm Pắc cũng tiếp lời: “Có các cán bộ bảo tồn, nguồn sinh vật quý mới được bảo vệ; các loại cây rừng mới có điều kiện phát triển tốt và ngày càng đa dạng hơn. Không chỉ bảo vệ được nguồn sinh vật, thực vật phong phú, hàng năm, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé còn chi trả dịch vụ môi trường rừng nên dân bản có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, bản Nậm Pắc được nhận khoán bảo vệ gần 780ha rừng đặc dụng nên có nhiều hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng đến 20 triệu đồng/năm cơ đấy!”.

Cùng quan điểm với anh Dèn, chị Vừ Go Xó, cùng bản Nậm Pắc tâm sự: “Mỗi năm, gia đình tôi được chi trả trên 14 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng nên cuộc sống từng bước ổn định hơn. Ðược hưởng lợi từ rừng, cùng với sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Khu Bảo tồn, gia đình tôi cũng như bà con dân bản đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và không phá rừng làm nương”.

Vừa đi vừa nghe người dân bản Nậm Pắc kể về sự phong phú, đa dạng về cây cối, động vật, chim muông trong rừng và sự gắn bó, những đóng góp của Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé với rừng, với nhân dân, khiến thời gian trôi nhanh hơn. Không chỉ nghe người dân nói, cán bộ của Khu Bảo tồn kể, mà len lỏi trong rừng, chúng tôi bắt gặp không ít những cây gỗ quý lớn dọc đường đi. Ðiều đó khiến chúng tôi rất phấn khởi, bởi lẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng đang được nhân dân và Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé làm rất tốt.

Trong câu chuyện, anh Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé kể, chúng tôi được biết, để có được những kết quả đó, những người giữ rừng ở Khu bảo tồn phải trải qua không ít khó khăn, song các anh đã vượt qua và lặng lẽ cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần giữ vững màu xanh cho những cánh rừng.

Ðể bảo vệ được sự đa dạng của hệ sinh thái rừng trong Khu Bảo tồn, anh em trong đơn vị khá vất vả; thường xuyên phải tuần tra để theo dõi những dấu vết, hành vi nghi ngờ có sự tác động đến rừng để kịp thời kiểm tra xử lý. Bên cạnh đó, mỗi tháng sẽ tổ chức tuần tra rừng dài ngày; ban ngày phải băng rừng, vượt suối, tối đến ngủ trên những chiếc võng, mùa mưa ướt át, lạnh lẽo, mùa nắng thì nóng rát mặt. Trong khi đó, phạm vi quản lý, bảo vệ trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè; đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép... Dù còn nhiều khó khăn, song anh em trong Khu BTTN Mường Nhé vẫn kiên trì bám, nắm địa bàn; tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về lợi ích, tầm quan trọng của rừng. Bên cạnh đó vận động, hướng dẫn người dân tham gia ký kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, cùng chung sức bảo vệ, phát triển rừng…

Từ những việc làm thiết thực đó, Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời giúp người dân vùng đệm khu bảo tồn có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế những yếu tố bất lợi, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng trong Khu BTTN Mường Nhé.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top