Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

08:58 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 10944 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có 1.813 chi hội, với hơn 101.000 hội viên. Những năm gần đây, bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực, sáng tạo, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho hội viên. Thông qua đó, ngày càng thu hút, tập hợp đông đảo hội viên; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Mường Lay giới thiệu các mặt hàng nông sản tại chương trình “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019”.

“Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Ðại hội đại biểu phụ nữ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ðể triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh khảo sát, nắm vững hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng kế hoạch giúp các hộ nghèo. Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội đã tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực. Trong đó vừa chú trọng tuyên truyền phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ gia đình, địa phương.

Ðến nay, thông qua chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đang quản lý gần 725 tỷ đồng với 544 tổ, 19.367 thành viên tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động khai thác và quản lý nguồn vốn từ các chương trình, dự án thành lập các nhóm cổ phần tài chính tự quản (VSLA) tạo nguồn vốn tại chỗ cho phụ nữ vay phát triển kinh tế với tổng vốn 4,1 tỷ đồng; đề xuất và triển khai thực hiện các dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” với nguồn vốn tài trợ 425,94 triệu đồng; dự án hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật tại một số xã của huyện Nậm Pồ với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Duy trì 195 nhóm cổ phần tài chính tự quản với 4.875 thành viên, tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng cho trên 2.000 thành viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, nhiều hội viên được tạo điều kiện vay vốn đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.500 mô hình các loại, thu hút hàng chục nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Nhiều mô hình có hiệu quả cao như: Mô hình trồng rau sạch và nuôi gà thịt, gà đẻ trứng của hội viên Phạm Thị Hiền; mô hình nuôi vịt bầu cổ ngắn của hội viên Tòng Thị Song (huyện Mường Ảng); mô hình trồng dứa của chị Vừ Thị Máy ở xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo)…

Ðề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” là cơ hội giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Thực hiện Ðề án trong năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập tại huyện Mường Ảng và TX. Mường Lay với 60 thành viên tham gia. Hỗ trợ triển khai mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc Thái tại xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên). Tổ chức thành công “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” với 22 ý tưởng khởi nghiệp và 12 gian hàng của phụ nữ 10/10 huyện, thị, thành phố với các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm do hội viên, phụ nữ trực tiếp sản xuất, kinh doanh, thu hút đông đảo sự quan tâm và kết nối sản xuất, lưu thông hàng hóa của người tiêu dùng.

Theo bà Nông Thị Thịnh, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), thông qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của hội viên phụ nữ; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác liên kết phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay, thông qua nhiều chương trình, chính sách, các cấp Hội đã giúp 581 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top