Hiệu quả từ chính sách tín dụng cho hộ nghèo

08:51 - Thứ Tư, 27/11/2019 Lượt xem: 11178 In bài viết

ĐBP - Ðầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo được vay tối đa đến 100 triệu đồng/hộ, thời hạn 120 tháng (10 năm). Ðây là điều kiện thuận lợi, cơ hội giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận vốn phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ðược vay vốn thời hạn dài hơn, gia đình chị Quàng Thị Ngắm, bản Giáng yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa.

Ông Lò Văn Chinh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuần Giáo cho biết: Triển khai việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đơn vị tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận sớm nguồn vốn, hưởng lợi từ chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Ðến hết tháng 10, toàn huyện có 51 hộ được vay từ trên 50 triệu đồng/hộ với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Ðể chính sách đi vào thực tế, đơn vị căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất kinh doanh, vốn tự có của hộ gia đình, khả năng trả nợ của người vay, hộ vay và nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để giải ngân, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, bảo toàn đồng vốn Nhà nước.

Xã Quài Nưa có 10 hộ được vay 100 triệu đồng/hộ, đa số đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò. Gia đình chị Quàng Thị Ngắm, bản Giáng là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn qua “kênh” của Hội Nông dân xã với số tiền 100 triệu đồng vào tháng 9 vừa qua. Chị Ngắm tâm sự: Trước đây, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện, thời hạn phải trả hết nợ gốc và lãi trong 5 năm. Gia đình sử dụng vốn vay hiệu quả vào phát triển chăn nuôi bò. Tiền lãi thu được từ chăn nuôi đại gia súc và các nguồn thu khác đã giúp gia đình “xóa” được nhà dột nát, xây dựng được nhà sàn bằng bê tông cốt thép kiên cố. Tuy nhiên, thời gian vay và số tiền được vay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi lâu dài như mong muốn. Sau khi đầu tư làm nhà ở thì thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế. Vừa qua, gia đình tôi được vay vốn từ 2 chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH huyện: Chương trình vay hộ nghèo 100 triệu đồng, thời hạn 120 tháng và chương trình vay nước sạch vệ sinh môi trường 12 triệu đồng. Vợ chồng tôi đầu tư vốn mua 7 con bò giống, xây dựng chuồng trại gia súc với sự giám sát chứng kiến của Ngân hàng, Hội Nông dân xã, cán bộ bản. Nhờ chăm sóc vật nuôi cẩn thận, hiện nay đàn bò phát triển tốt. Ðược vay vốn với số lượng lớn, thời hạn phải trả vốn hợp lý là điều kiện thuận lợi giúp gia đình tôi trong thời gian tới nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Quàng Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quài Nưa cho biết: Toàn xã hiện có 1.426 hộ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của Nhà nước từ 7 chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo với tổng dư nợ 55,4 tỷ đồng. Trước đó, nhiều bản trong xã có nhóm sở thích phát triển chăn nuôi trâu, bò, các gia đình đã đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, chăn nuôi tập trung. Bản Giáng, bản Chăn... có mô hình nhóm sở thích chăn nuôi kết hợp với kinh doanh trâu, bò. Các gia đình đầu tư vốn nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên/hộ, liên kết tạo thành đàn vật nuôi số lượng lớn. Khách hàng có nhu cầu mua với số lượng lớn từ vài chục đến 100 con thì các hộ chăn nuôi liên kết cùng bán tổng đàn. Hình thức chăn nuôi này giúp bà con thu lợi nhuận cao, đồng vốn quay vòng nhanh, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Nâng thời hạn cho vay, mức cho vay từ chính sách mới về tín dụng của Nhà nước đang mở ra cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn huyện Tuần Giáo mở rộng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, cải thiện đời sống, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top