Chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới còn nhiều vướng mắc

08:23 - Thứ Sáu, 29/11/2019 Lượt xem: 10982 In bài viết

ĐBP - Việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ (theo Luật HTX năm 2003) sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhằm nâng cao vai trò của các HTX thông qua việc đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi. Sau gần 6 năm thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hiệu quả song vẫn còn nhiều HTX lúng túng, khó khăn.  

Xã viên HTX Dệt thổ cẩm bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) thêu sản phẩm bán cho khách du lịch.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 213 HTX, với hơn 13.000 thành viên. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 133 HTX; lĩnh vực công thương có 37 HTX; xây dựng và sản xuất vật liệu 21 HTX và 6 HTX vận tải. Giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 55 HTX đã giải thể, nguyên nhân chính là hoạt động kém hiệu quả.. Theo quy định, các HTX thực hiện chuyển đổi phải rà soát, sửa đổi, bổ sung điều lệ theo quy định; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, đúng luật; các xã viên gắn kết với HTX thông qua hợp đồng; các thành viên khi tham gia HTX có nghĩa vụ góp vốn và lợi nhuận được phân phối theo 2 hình thức là vốn góp cổ phần và mức độ sử dụng dịch vụ các thành viên.

Từ khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, HTX Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Nam Bình đạt doanh thu bình quân mỗi năm tăng 19% và lợi nhuận tăng 22%. Hiện nay, HTX giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định gần 100 lao động trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, sau khi chuyển đổi, HTX Vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Ðiện Biên Phủ tăng doanh thu 39%/năm và lợi nhuận tăng 42%/năm; tạo việc làm cho 138 lao động với mức thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian gần đây, trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh như: Gạo, dứa, cà phê…

Lợi ích là rõ ràng nhưng đến nay, việc thực hiện chuyển đổi của các HTX trên địa bàn tỉnh diễn ra rất chậm. Sau 6 năm kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2013), mới có 37 HTX chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX 2012.

Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Mặc dù kinh tế HTX đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Song sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; một số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới nhưng vẫn chưa mạnh, trong đó không ít HTX vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Một trong những nguyên nhân là Luật HTX năm 2012 quy định về tỷ lệ góp vốn của một thành viên HTX không quá 20% tổng số vốn điều lệ đã gây cản trở trong việc huy động thêm vốn góp. Bên cạnh đó, về tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ của HTX ra thị trường bên ngoài theo Nghị định 193/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HTX 2012 đã làm hạn chế quy mô sản xuất, kinh doanh, doanh thu của HTX; đồng thời làm thị trường bên ngoài của HTX bị thu hẹp. Ðây là một trong những lý do làm giảm sức hấp dẫn của mô hình HTX kiểu mới. Chính vì vậy, nhiều HTX thành lập trước thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực không muốn chuyển đổi đăng ký lại mà thực hiện giải thể hoặc ngừng hoạt động để làm thủ tục chuyển sang hoạt động ở mô hình khác. Bên cạnh đó, nội lực của HTX nhìn chung còn yếu kém, quy mô dịch vụ nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu; nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, sở hữu tài sản chưa rõ ràng. Hầu hết các HTX nông nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường. Ðối với HTX tiểu thủ công nghiệp thì phát triển chậm về số lượng, thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm. Mỗi HTX có đặc thù riêng, trong khi đó Luật HTX thì áp dụng chung cho tất cả các loại hình nên không ít HTX lúng túng trong xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả. 

Bài ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top