Thận trọng khi đầu tư, nhân rộng mô hình trồng sả

08:25 - Thứ Sáu, 29/11/2019 Lượt xem: 10946 In bài viết

ĐBP - Trong những năm qua, huyện Nậm Pồ luôn định hướng cho người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa các mô hình, phát triển các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế để nâng cao hiệu quả. Trong đó, giải pháp trồng cây dưới tán rừng và trồng cây trên nương cũ, trên đất bạc màu là những phương án được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, trồng cây gì để đem lại hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định, lâu dài vẫn là một bài toán khó.

Một lò chưng cất tinh dầu sả của người dân xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).

Hiện nay, một số mô hình trồng cây dược liệu đã và đang được người dân duy trì và chăm sóc như: Cây sa nhân, khoảng 30ha được trồng chủ yếu tại các xã: Nậm Khăn, Chà Tở, Nà Bủng, Pa Tần, Na Cô Sa; Cây sả Java khoảng trên 40ha được trồng tại các xã: Nậm Tin, Vàng Ðán, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ và cây quế đang được trồng  thử nghiệm khoảng 10ha tại xã Chà Cang... Trong đó, đáng chú ý là cây sả Java mới được người dân đưa vào trồng trên đất dốc, đất bạc màu khoảng hơn 2 năm nay. Bước đầu cây sả đã đem lại nguồn thu nhập khá hấp dẫn vì dễ trồng, dễ chăm sóc nên đang được nhiều hộ dân trồng và nhân rộng. Tuy vậy, việc nhân rộng diện tích trồng sả cần hết sức cân nhắc vì có thể sẽ gặp rủi ro về đầu ra của sản phẩm.

Không giống như mô hình trồng sả ở tỉnh Sơn La hoặc một số địa phương khác, người dân được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lá sả để làm nguyên liệu chế biến với giá thu mua tương đối ổn định, thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/ha/năm. Nông dân Nậm Pồ trồng sả tự phát, không có doanh nghiệp bao tiêu nên phải tự chiết suất lấy tinh dầu rồi đem đi bán cho một số thương lái ở khu vực biên giới. Mặt khác giá thu mua cũng không ổn định, có lúc bán được hơn 600 nghìn đồng/lít nhưng cũng có lúc chỉ bán được hơn 400 nghìn đồng/lít.

Ðể chiết suất lá sả thành tinh dầu, một hoặc một vài hộ dân phải đầu tư lò hấp thủ công có giá từ 30 - 40 triệu đồng/lò. Mỗi mẻ hấp từ 6 - 8 giờ thì mới cho ra khoảng 8 - 10 lít tinh dầu sả. Khi chúng tôi tìm hiểu về mô hình trồng sả ở xã Nà Hỳ thì thấy người dân ở đây khá hào hứng và kỳ vọng về loại cây trồng mới này. Cây sả dễ trồng, không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều mà lại có thể trồng ở mọi chỗ mọi nơi: Trên đất dốc, đất bạc màu, trong vườn nhà và thậm chí người dân trồng cả ở ven đường, ven suối... Mặt khác, khi trồng sả người dân chỉ phải đầu tư trồng một lần rồi lúc thu hoạch thì cắt lấy lá đem sấy, sau đó cây lại tiếp tục phát triển và cho thu hoạch, trong khoảng 4 - 5 năm mới phải trồng lại. Chính vì vậy mà khi một số hộ dân trồng và có thu nhập thì lại tiếp tục mở rộng diện tích và phổ biến cho những hộ khác. Hiện nay, chỉ tính riêng ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ đã có 15 hộ trồng sả với khoảng trên 10ha.

Trao đổi về tính hiệu quả mô hình trồng sả hiện đang được nhiều hộ dân ở các xã trong huyện trồng và mở rộng diện tích, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ðây là mô hình mới, người dân tự trồng và chế biến vì thấy bước đầu nó đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, huyện cũng đã khuyến cáo đến các xã để người dân cân nhắc việc mở rộng diện tích và đầu tư lò thủ công chiết suất tinh dầu. Vì đây là một loại cây dược phẩm kén đầu ra, trong khi đó lại chưa có địa chỉ đầu ra ổn định nên rất dễ gặp rủi ro nếu thương lái ngừng thu mua hoặc ép giá. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đang tìm hiểu và liên hệ với các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra cho cây sả. Tuy vậy, khi chưa có đầu ra bảo đảm thì người dân vẫn cần thận trọng khi quyết định đầu tư và mở rộng diện tích để tránh những rủi ro không đáng có.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top