Giá lợn tăng có thực sự do thiếu nguồn cung?

08:55 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 10809 In bài viết

ĐBP - Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá lợn (bao gồm lợn hơi và thịt lợn) trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến. Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; thịt lợn có giá trung bình từ 140.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại. Ðây là mức giá cao kỷ lục trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của cơ quan chức năng, bên cạnh nguyên nhân nguồn cung giảm do dịch tả lợn châu Phi thì còn có hiện tượng người chăn nuôi và thương lái lợi dụng thời điểm nhạy cảm để đẩy giá lên cao.

Hiện nay, giá thịt lợn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong ảnh: Các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Khảo sát tại một số cơ sở nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giá lợn hơi được thương lái mua với giá rất cao: Ðối với lợn trắng có giá xuất chuồng khoảng 70.000 đồng/kg; còn lợn đen (lợn dân) có giá trung bình 80.000 đồng/kg. Giá lợn tăng cao, nhưng một số hộ chăn nuôi không có lợn để bán. Anh Trần Văn Sinh, người nuôi lợn ở xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cho biết: Giá lợn hơi tăng từng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. So với thời điểm tháng 3/2017 thì hiện nay giá lợn hơi tăng gần gấp 3 lần. Ngày càng có nhiều người đến hỏi mua, tiếc là không còn lợn để bán!

Giá lợn hơi tăng cao là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn ở các chợ tăng theo. Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ: Mường Thanh, Trung tâm 1, Nam Thanh, Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) và ở các chợ huyện như: Chợ Trung tâm thị trấn Tuần Giáo, chợ thị trấn Ðiện Biên Ðông… khoảng 2 tháng trở lại đây, giá thịt lợn liên tục tăng; thậm chí giá ngày hôm sau so với hôm trước đã khác nhau. Mức tăng hiện nay so với trước là gấp đôi, có những loại thịt tăng gấp gần ba lần. Tại chợ Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), giá các loại thịt ba chỉ, chân giò, thịt mông, vai trước đây có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg nay đã tăng lên mức 150.000 - 160.000 đồng/kg; giá thịt nạc thăn, sườn tăng lên 180.000 đồng/kg...

Là một người nội trợ, chị Nguyễn Thị Tuyến, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Nếu như trước đây, 100 nghìn đồng có thể mua được thịt lợn cùng với nhiều thứ thực phẩm khác thì nay không mua nổi 1kg thịt lợn ba chỉ. Do thịt lợn liên tục tăng giá nên thời gian gần đây gia đình tôi chuyển sang dùng các thực phẩm khác.

Tìm hiểu từ các thương lái và tiểu thương bán thịt lợn, hầu hết đều cho rằng, sở dĩ giá lợn tăng đột biến trong thời gian qua do dịch tả lợn châu Phi làm tổng đàn giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi hết lợn. Bà L.T.T, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nam Thanh chia sẻ: Giá thịt lợn tăng cao là do nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, để thịt lợn lên đến sạp bán thì phải qua nhiều công đoạn như vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch, vệ sinh… chính vì vậy giá sẽ cao hơn. Chúng tôi cũng không muốn bán đắt, vì tăng giá người dân mua ít đi, hàng bán chậm. Thực tế thời gian qua, giá lợn tăng cao khiến sức tiêu thụ giảm so với trước đây.

Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện lãnh đạo Phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là có, song không phải là nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng cao. Số liệu thống kê của Phòng Chăn nuôi - Thủy sản cho thấy tổng đàn lợn năm 2018 trên địa bàn tỉnh là hơn 402 nghìn con. Tính từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi đến ngày 25/11/2019, tổng số lợn phải tiêu hủy là 23.314 con, với tổng trọng lượng hơn 1.000 tấn; trong đó lợn thịt có 17.722 con, còn lại là lợn nái và lợn đực giống. Như vậy, số lượng lợn bị tiêu hủy không quá lớn so với tổng đàn. Sản lượng thịt lợn có thiếu hụt nhưng không lớn, vẫn có thể bù đắp được. Ðiều đáng lo ngại là có dấu hiệu người chăn nuôi, thương lái lợi dụng sự thiếu hụt này và thời điểm nhạy cảm cuối năm để đẩy giá lên cao. Nắm bắt được tâm lý và sức tiêu thụ thịt lợn của nhân dân vào dịp cuối năm tăng cao, không loại trừ việc người chăn nuôi sẵn sàng “ghim hàng” để đẩy giá lên cao nhằm bù lại những thiệt hại do dịch bệnh vừa qua.

Thịt lợn là mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Việc mua bán, giá cả tự người mua - bán thỏa thuận với nhau, thông qua “cung - cầu” để quyết định giá. Nếu “cung” ít mà “cầu” nhiều thì giá cao và ngược lại. Thiết nghĩ,  các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn. Chưa kể, nhiều hộ chăn nuôi thấy giá lợn cao nên vội tái đàn, trong khi điều kiện vệ sinh chuồng trại chưa đảm bảo, vật nuôi sẽ dễ bị nhiễm dịch bệnh.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top