Cần sớm hoàn thiện việc giao đất, giao rừng

08:57 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 9682 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh đã giao và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp cho 4.693 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân với tổng diện tích hơn 328.126ha trên tổng số 602.073ha (đạt 54,5%). Trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng đã giao hơn 311.189ha; đất lâm nghiệp chưa có rừng đã giao hơn 16.936ha.

Ðoàn giám sát HÐND tỉnh giám sát việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Việc cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đã khắc phục được một số hạn chế, tồn tại của giai đoạn thực hiện giao rừng theo Nghị định 163 (không giao đất trên thực địa). Sau khi được giao rừng, cộng đồng dân cư và hộ gia đình, cá nhân đã tổ chức thành lập ban quản lý rừng cộng đồng và tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Việc cấp giấy chứng nhận công nhận quyền hợp pháp và lâu dài đối với việc quản lý, sử dụng rừng thông qua chính sách giao đất, giao rừng đã tạo tâm lý ổn định cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình, tạo động lực cho chủ thể huy động nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao quản lý, bảo vệ. Ðồng thời, việc giao đất, giao rừng đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp theo dõi, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giao đất giao rừng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hạn chế; một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình chưa thực sự vào cuộc quản lý và bảo vệ rừng; một số nơi diện tích rừng đã giao vẫn bị chặt phá. Quá trình triển khai thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ ở một số địa bàn đã làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh, dẫn đến một số cộng đồng đòi chia lại rừng do số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng có sự chênh lệch lớn. Ðối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng là đất lâm nghiệp song do triển khai thực hiện dự án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng chậm nên phần lớn những diện tích này vẫn là đất nương luân canh. Vì vậy, việc xác định diện tích, vị trí để thực hiện rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, cấp GCNQSDÐ khó thực hiện vì không xác định được cụ thể ranh giới, diện tích đã giao trước đây và sau khi rà soát. Ðơn cử tại huyện Ðiện Biên, công tác rà soát rừng và đất rừng chưa thực hiện theo quy trình, còn nhiều diện tích rừng không đo đạc, cấp GCNQSDÐ, giao đất cho chủ rừng như: Diện tích đất của Hội Người cao tuổi xã Thanh Nưa; 5 hộ của đội 21b, xã Noong Hẹt; 4 hộ bản Yên Cang, xã Sam Mứn hoặc đất đã thành rừng nhưng không quy hoạch, bàn giao cho chủ rừng tại bản Núa Ngam 1, xã Núa Ngam với diện tích 50ha; đất nương luân canh xã Na Tông thì lại xác định là đất rừng và cấp GCNQSDÐ. Nhiều trường hợp cấp đất rừng không đúng đối tượng, cấp cho những hộ gia đình, cá nhân không phải là người sinh sống trên địa bàn có rừng…

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 366.626ha đất lâm nghiệp (bao gồm đất lâm nghiệp có rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng) chưa được giao và cấp giấy GCNQSDÐ. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ giai đoạn 2013 - 2015, ngày 20/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023. Theo đó, giao các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về giao đất, giao rừng để nâng cao nhận thức người dân; hoàn thiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và xác định diện tích đất lâm nghiệp có rừng, chưa có rừng theo điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, phương án kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top