Phát huy hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

09:08 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 9266 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.600 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản, UBND xã và tổ chức được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). DVMTR không chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ rừng, mà còn giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.

Người dân huyện Nậm Pồ nhận tiền DVMTR.

Huyện Nậm Pồ có trên 58.906ha rừng được hưởng chính sách chi trả DVMTR, chủ yếu là lưu vực sông Ðà và một phần nằm trong lưu vực suối Nậm Mức, Nậm He. Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2018 các chủ rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ được chi trả trên 60 tỷ đồng tiền DVMTR. Nhờ có chính sách DVMTR, nhân dân các dân tộc đã nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên rừng; nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ sử dụng tiền DVMTR phát triển các mô hình kinh tế.

Gia đình ông Lò Văn Pọm, bản Mới 2, xã Chà Cang, là điển hình về sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Ðàn gà hàng chục con đã đến thời kỳ xuất bán là thành quả trong phát triển kinh tế bằng nguồn vốn từ chính sách chi trả DVMTR. Ông Pọm cho biết: Hàng năm gia đình nhận được trên 20 triệu đồng tiền DVMTR; tôi đầu tư mua con giống, trang bị thêm máy móc làm ruộng, làm trang trại chăn nuôi. Hiện gia đình tôi đang nuôi 3 lứa gà lai, khi xuất bán trung bình mỗi con đạt từ 2,5 - 3kg. Vì được nuôi thả vườn và thức ăn hữu cơ nên gà bán rất được giá. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 30 triệu đồng. Tôi cũng dùng tiền DVMTR mua cá giống, thức ăn để nuôi thả trên diện tích 3.000m2 ao; mỗi năm xuất bán hơn 2 tạ cá thịt, thu gần 20 triệu đồng. Không chỉ phát triển chăn nuôi, ông Pọm còn đầu tư trồng cây ăn quả, chủ yếu là xoài, cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/năm.

Năm 2018, chủ rừng là cộng đồng bản Sam Lang, xã Nà Hỳ được chi trả 460 triệu đồng tiền DVMTR. Ông Giàng A Khoa, đại diện cộng đồng bản Sam Lang cho biết: Ðể quản lý, sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, chúng tôi thống nhất chia một phần tiền cho các hộ dân phát triển sinh kế, nâng cao đời sống; một phần dùng làm quỹ để chi mua nhu yếu phẩm như: Nước, bánh, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; còn một phần làm quỹ dự phòng, hộ nào có người đau ốm nặng thì cho vay tạm thời. Mỗi khoản chi đều phải thông qua Ban quản trị bản, tất cả nhất trí mới chi.

Cách làm của gia đình ông Pọm hay cộng đồng bản Sam Lang cũng là cách làm của nhiều cá nhân, tổ chức được hưởng chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Từ số tiền DVMTR, nhiều chủ rừng đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, khai hoang ruộng bậc thang để giảm diện tích nương năng suất thấp... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ðặc biệt là nhờ chính sách này, người dân sinh sống ở khu vực có rừng đã gắn bó, tích cực, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top