Cần nâng cao hiệu quả liên kết trong sản xuất nông nghiệp

08:54 - Thứ Hai, 09/12/2019 Lượt xem: 11887 In bài viết

Những năm gần đây, tỉnh ta đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm thế mạnh. Tuy nhiên, kết quả bước đầu cho thấy các chuỗi liên kết chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. 3 “mắt xích” quan trọng là: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đều chưa thực sự phát huy hết và đúng vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng một chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm gạo tám Ðiện Biên là kết quả của liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty TNHH Safe Green với người xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Phạm Trung

Ðối với người nông dân, việc liên kết sản xuất giúp họ không quá lo lắng về chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm, lợi ích và thu nhập được ổn định. Ðối với doanh nghiệp, việc liên kết giúp đơn vị có được nguồn hàng, nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng để phục vụ việc kinh doanh, chế biến. Cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp đóng vai trò kết nối nhằm khuyến khích, phát triển duy trì liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp giữa “3 nhà”: Nhà nông - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp giúp nền nông nghiệp bảo đảm được hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất, phát triền bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên mới chỉ có 3 chuỗi liên kết hiệu quả. Ðó là các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao của: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; HTX Công nghệ cao bản Mé và Công ty TNHH Safe Green tại các xã vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên. Tại các chuỗi liên kết này, doanh nghiệp thực hiện cung cấp giống lúa chất lượng cao, kỹ thuật sản xuất, bao tiêu và chế biến tạo ra thành phẩm. Nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Ngoài các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tại các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng rất nhiều chuỗi liên kết về cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhưng các chủ thể tham gia liên kết chưa phát huy đúng vai trò nên hiệu quả bước đầu chưa đáp ứng đúng kỳ vọng.

Ví dụ dự án trồng chanh leo trên địa bàn huyện Mường Ảng. Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc có một số thiếu sót như: Cán bộ kỹ thuật còn hạn chế trong tương tác với người dân, chưa kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ, tư vấn người dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, phân loại chanh leo theo từng tiêu chuẩn chất lượng của công ty. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng chưa thường xuyên duy trì kết nối giữa doanh nghiệp với người dân; chưa kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tư vấn định hướng người dân trong việc thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Vì mối liên kết chưa chặt chẽ nên người dân bị động từ khâu sản xuất đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chanh leo, từ năm 2017 đến nay, huyện Mường Ảng triển khai mở rộng được hơn 200ha cây ăn quả (xoài Ðài Loan, bưởi da xanh). 100% diện tích cây ăn quả này đều được triển khai theo các dự án liên kết chuỗi sản xuất gồm 4 thành phần: Nhà cung ứng cây giống; người dân, đơn vị chủ đầu tư và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, tình trạng các chủ thể tham gia liên kết chưa thực hiện đúng đủ nội dung hợp đồng các dự án chuỗi liên kết vẫn còn xảy ra. Ðơn cử như tại xã Ẳng Tở, năm 2018 toàn xã có 7 hộ tham gia dự án liên kết sản xuất cây ăn quả. Song, sau 1 năm triển khai có 3/7 hộ đã không thực hiện đúng cam kết trong công tác chăm sóc, bảo vệ vườn cây ăn qua, đảm bảo đúng, đủ diện tích đã đăng ký mà lại để gia súc phá hại từ khoảng 50 - 70% diện tích. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Tình trạng các hộ dân tham gia các dự án liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng vẫn còn xảy ra tại một vài hộ dân thuộc một số  xã trên địa bàn. Tuy nhiên, để liên kết bền vững, hiệu quả sau thời gian kiến thiết, UBND huyện đã chỉ đạo cấp cây giống để trồng dặm nhưng nếu để xảy ra lần 2 thì các hộ đó sẽ bị đưa ra khỏi chuỗi và phải đền bù toàn bộ tiền hỗ trợ.

Tình trạng các chủ thể tham gia liên kết chưa thực hiện đúng nội dung hợp đồng ký kết vẫn đang là tình trạng khá phổ biến trên địa bàn tỉnh ta. Ðầu tháng 9/2019, Phòng Kinh tế (TP. Ðiện Biên Phủ) phối hợp cùng Công ty TNHH Phúc Khang Ðiện Biên triển khai thực hiện Dự án Liên kết chăn nuôi và tiêu thụ vịt an toàn sinh học tại 2 xã: Thanh Minh và Tà Lèng. Theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp thực hiện cung ứng: Vịt giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, kỹ thuật chăn nuôi và cam kết bao tiêu sản phẩm. Người dân chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và bán 100% sản phẩm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa hết thời gian 4 tháng chăn nuôi theo hợp đồng ký kết, hiện nay, một số hộ dân tham gia dự án đã tự liên hệ để bán lẻ sản phẩm ra ngoài thị trường với lý do trọng lượng của con vịt đã đạt ngưỡng cao nhất từ 3 - 3,5kg và tiến hành bán khi vịt đạt ở mức giá cao. Ông Lò Văn Ọi, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng cho biết: Nuôi vịt theo đúng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp không quá khó. Tuy nhiên, sau 3 tháng nuôi vịt đã có thể đạt trọng lượng tối đa, có nuôi thêm 1 tháng thì trọng lượng tăng không đáng kể. Trong khi đó, thời điểm này giá vịt đang cao nên nhiều hộ dân đã bán vịt ra thị trường. Thời điểm kết thúc dự án, nếu chưa bán hết vịt thì tiếp tục bán cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, nếu như trong liên kết kết sản xuất lúa gạo, doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết cung cấp giống, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm; người dân thực hiện sản xuất đúng theo hướng dẫn của doanh nghiệp và bán 100% sản phẩm cho doanh nghiệp. Ðây là điểm khác biệt so với dự án liên kết nuôi vịt nêu trên, khi người dân đã tự bán vịt ra thị trường mà không bán cho doanh nghiệp theo đúng thời gian, khối lượng đã cam kết. Như vậy, việc liên kết sẽ thiếu chặt chẽ, khó bền vững.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top