Ðể dong riềng phát triển bền vững ở Nậm Nèn

08:44 - Thứ Hai, 16/12/2019 Lượt xem: 9101 In bài viết

ĐBP - Là một trong những xã khó khăn của huyện Mường Chà, những năm qua, tận dụng lợi thế đất dốc, nhiều hộ dân xã Nậm Nèn đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa và coi đây là một trong những hướng thoát nghèo. Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại cây này ở Nậm Nèn vẫn còn nhiều thách thức.

Người dân xã Nậm Nèn thu hoạch dong riềng.

Cây xóa đói giảm nghèo

Năm 2019, người trồng dong riềng ở Nậm Nèn được mùa bội thu khi dong riềng được mùa lại được giá, trung bình 2.300 đồng/kg. Theo tính toán của người trồng dong, 1ha dong riềng cho thu hoạch khoảng 50 tấn củ, trừ chi phí thu lãi hơn 60 triệu đồng, cao gấp từ 2 - 3 lần so với trồng ngô, lúa.

Vừa nhanh tay đào dong riềng, bà Lò Thị Nương, bản Phiêng Ðất B chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ biết trồng 1 vụ ngô, lúa sau khi thu hoạch xong thường bỏ hoang đất. Những năm gần đây, tôi đã chuyển đổi gần 5.000m2 đất nương ngô sang trồng dong riềng. Tôi thấy dong riềng dễ trồng, dễ chăm sóc, 5 năm qua, tiền tích lũy từ bán dong riềng đã giúp gia đình tôi sửa được ngôi nhà sàn kiên cố hơn, có vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi nữa.

Cũng như gia đình bà Nương, sau 6 năm bén rễ đất Nậm Nèn, dong riềng đã dần trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ trên địa bàn xã. Ðược biết, đây là kết quả của dự án liên kết đối tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm dong riềng được triển khai tại xã Nậm Nèn năm 2014 với tổng diện tích gần 77ha với 300 hộ dân tham gia. Sau khi dự án kết thúc, mặc dù không còn được hỗ trợ, song nhận thấy hiệu quả từ trồng dong riềng, nhiều hộ dân tự bỏ vốn tiếp tục duy trì, mở rộng. Nhờ vậy, diện tích dong riềng của xã không ngừng tăng. Từ gần 77ha (năm 2014) đến nay đã tăng lên 150ha. Cây dong riềng trở thành cây có diện tích trồng lớn thứ hai trên địa bàn xã, chỉ đứng sau diện tích trồng ngô (291ha).

Những thách thức

Lợi nhuận từ trồng cây dong riềng là rõ ràng song việc phát triển diện tích dong riềng những năm qua trên địa bàn xã Nậm Nèn cũng gặp không ít thách thức. Trước hết, cũng giống như nhiều nông sản khác, cây dong riềng ở Nậm Nèn cũng không tránh được chuyện “được mùa mất giá”. Ðiển hình là vụ dong riềng năm 2018, giá dong thấp kỷ lục, cao nhất được 800 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm giá giảm xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Nhiều hộ trồng dong riềng đã bỏ không thu hoạch vì tính ra trừ chi phí đầu tư phân bón, giống, công thu hoạch và vận chuyển thì không có lãi.

Ông Lò Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn cho biết: Những năm đầu khi mới phát triển, giá dong riềng khá ổn định do người dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Hồng Phước. Tuy nhiên, từ năm thứ 4 trở đi, sau khi kết thúc hợp đồng, giá dong riềng đã có sự biến động, tăng giảm thất thường. Cụ thể, năm 2017, giá dong riềng chỉ còn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, năm 2018 thì thấp kỷ lục. Ðây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao diện tích dong riềng năm 2019 trên địa bàn xã Nậm Nèn giảm hơn 3ha so với năm 2018.

Cùng với chuyện “được mùa mất giá”, một trong những thách thức nữa đó là vấn đề ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến dong riềng. Hiện tại, trên địa bàn xã có 1 cơ sở thu mua và sơ chế tinh bột dong của Hợp tác xã Hồng Phước với công suất chế biến từ 15 - 20 tấn củ dong riềng mỗi ngày. Ðược biết, đây là năm thứ 5 cơ sở này hoạt động. Tuy nhiên do xây dựng cạnh dòng suối Nậm Nèn, lại không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, bởi vậy cũng từng ấy năm nước thải từ hoạt động sơ chế dong riềng đều xả trực tiếp ra suối, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, trung tuần tháng 11 năm 2019, UBND xã Nậm Nèn đã phải yêu cầu cơ sở sơ chế trên tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc diện tích dong riềng của người dân trên địa bàn xã sau khi thu hoạch không biết bán cho ai bởi củ dong riềng hầu hết đều do cơ sở trên bao tiêu. Cũng vì vậy, tạm đình chỉ được 4 hôm, UBND xã Nậm Nèn “đành” phải cho phép cơ sở trên mở cửa hoạt động trở lại để thu mua nốt số dong riềng của niên vụ 2019.

Ðể cây dong riềng phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Nậm Nèn, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngoài chính sách hợp lý trong công tác quy hoạch, hỗ trợ định hướng cho người dân từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ sản phẩm, thì cần có các giải pháp căn cơ về sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top