Thanh toán qua di động - nguồn tài nguyên lớn

09:41 - Thứ Ba, 17/12/2019 Lượt xem: 8926 In bài viết

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, có đến 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng được thực hiện bằng tiền mặt, trong khi đó, tỷ lệ thuê bao di động đã trên mức 100% từ nhiều năm nay. Đây chính là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) thúc đẩy xu thế thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đề ra.

Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông VNPT đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử).

Hiện đã có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động, dựa trên hạ tầng viễn thông với khoảng 900 triệu người sử dụng dịch vụ này. Tổng giá trị giao dịch thông qua Mobile Money là khoảng 1,3 tỷ USD/ ngày, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Đối với nền kinh tế, Mobile Money giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam hiện có chỉ 45 triệu tài khoản ngân hàng, tương đương 50% dân số. Vì vậy, Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện với hàng hóa có giá trị nhỏ. Người sử dụng dịch vụ chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất để đăng ký, giao dịch...

Theo ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), với mục đích nhằm tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp viễn thông, cũng như phát triển các dịch vụ mới dựa trên nền tài khoản di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà mạng thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đề xuất này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ.

Thực tế các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử). Trong đó, Viettel là một trong những doanh nghiệp đi đầu cung cấp các dịch vụ liên quan tài chính số như Bank Plus, Viettel Pay.

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, đến nay đã có 6 triệu người dùng Viettel Pay, trong đó có 2 triệu người truy cập thường xuyên; đạt 6 triệu giao dịch hằng tháng với ước tính dòng tiền giao dịch khoảng 50 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, Viettel cũng là doanh nghiệp có kênh giao dịch lớn với lợi thế về mạng lưới từ viễn thông như 15.000 điểm chấp nhận thanh toán, 300 điểm cung cấp dịch vụ… trên toàn quốc giúp khách hàng thuận tiện khi sử dụng. Do vậy, có thể sẵn sàng cung cấp Mobile Money khi Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT), VNPT là nhà mạng đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (từ năm 2008) và cũng đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm từ việc triển khai các dịch vụ ví điện tử. Ngoài lợi thế về hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, cung cấp dịch vụ trên toàn quốc đến tận nhà khách hàng, VNPT còn có thế mạnh về tài chính và sẵn sàng nguồn lực để bảo đảm cung cấp dịch vụ. Được biết, trong phương án xin cấp phép cung cấp dịch vụ, các nhà mạng đề xuất mỗi tài khoản viễn thông được thanh toán không quá 10 triệu đồng/tháng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện các quy định về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Trong các quy định, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu trách nhiệm của nhà mạng trong cung cấp dịch vụ Mobile Money để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, tránh rủi ro về tài chính.

Cụ thể, thứ nhất, nhà mạng phải chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc nhận biết, định danh khách hàng (KYC) khi thực hiện các giao dịch. Yêu cầu này đòi hỏi nhà mạng phải có trách nhiệm quản lý, giải quyết sim rác và phải có tài liệu chứng minh việc hoàn thành giao dịch. Thứ hai, nhà mạng phải bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch vì đây là yếu tố liên quan đến chuyển tiền, thanh toán và gắn trực tiếp với quyền lợi khách hàng. Quy định này cũng cho phép các nhà mạng được thí điểm triển khai dịch vụ trong 2 năm.

Được biết, hồ sơ xin cấp phép dịch vụ cũng đã được hai nhà mạng Viettel, VNPT gửi đến Ngân hàng Nhà nước; riêng MobiFone xin cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán. Với những động thái tích cực của các nhà mạng, việc cung cấp dịch vụ Mobile Money được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi dần thói quen tiêu tiền mặt của người dân thời gian tới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top