Gỡ khó trong phát triển cây mắc ca tại Mường Nhé

08:49 - Thứ Sáu, 20/12/2019 Lượt xem: 12320 In bài viết

ĐBP - Theo Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc sẽ triển khai trồng 10.000ha tại 6 xã: Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Vì. Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai trồng, Công ty dự kiến trồng 5.000ha tại các xã: Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn và Sín Thầu. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Công ty mới trồng 569,53ha với tổng số 160.000 cây tại xã Sen Thượng. Diện tích còn lại mới được san ủi mặt bằng và chuẩn bị đào hố để “đợi cây”. Hiện nay, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn để phát triển diện tích mắc ca đảm bảo như dự kiến.  

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc giới thiệu các dòng cây mắc ca. Ảnh: Phương Liên

Trao đổi với chúng tôi, ông Ðỗ Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cho biết: “Khi triển khai trồng mắc ca tại huyện Mường Nhé, chúng tôi được chính quyền địa phương ủng hộ nên việc tập kết, di chuyển cây, san ủi mặt bằng, đào hố, chuẩn bị vật tư thuận lợi, trước mùa mưa năm 2019 đã hoàn thành. Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi, thời điểm tháng 7, 8 dự kiến trồng cây mắc ca thì hạn hán kéo dài nên việc triển khai trồng phải lùi lại hơn 1 tháng, đã phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mắc ca. Bên cạnh đó, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn lớn, như: Cây giống mắc ca chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng trong vùng và khu vực lân cận dự án hầu như không có, Công ty phải mua từ các vườn ươm khu vực các tỉnh Tây Nguyên, nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho nhu cầu, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án và phát sinh thêm nhiều chi phí vận tải; tiền thuê nhân công vận chuyển nguyên, vật liệu vào vùng dự án khá tốn kém. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân công. Hiện lao động được thuê chủ yếu là người dân tộc thiểu số địa phương, trình độ nhận thức chưa cao, chưa có ý thức gắn bó lâu dài với Công ty mà chỉ muốn làm công ngày nào thì hưởng lương ngày đó, khiến cho Công ty khó quản lý và đào tạo lâu dài. Một số người dân địa bàn chưa đồng thuận với chủ trương, gây khó khăn cho Công ty hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai của dự án”.

Giải pháp trước mắt của Công ty là kết hợp tuyển lao động hưởng lương tháng với trả lương theo ngày sau đó từng bước đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để người lao động tiếp cận tiến bộ khoa học trong sản xuất, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy dần quen với tác phong công nghiệp. Công ty đảm bảo chế độ tiền lương để người lao động ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với Công ty.

Hiện nay, số lượng nhân công, lao động của Công ty đang làm việc tại huyện Mường Nhé có hơn 260 người (trong đó 200 người là lao động thời vụ). Công ty đã xây dựng 3 nhà công vụ để phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho nhân công, lao động và cán bộ đang làm dự án tại huyện Mường Nhé. Cũng trong năm 2019, Công ty đã thi công 127km đường công vụ quanh các khu vực đồi trồng mắc ca để thuận tiện cho việc di chuyển máy móc, nguyên vật liệu cũng như theo dõi sự phát triển của cây mắc ca. “Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức họp bản, thương thảo, thống nhất với các hộ dân trong vùng dự án làm các thủ tục liên quan đến đất đai của dự án, theo Quyết định chủ trương đầu tư số 1038/QÐ-UBND ngày 6/11/2018 của UBND tỉnh Ðiện Biên và các quy định hiện hành khác” - ông Ðỗ Thanh Tân cho biết thêm.

Chúng tôi đến thăm thực địa các diện tích mắc ca mới trồng tại xã Sen Thượng, với 379,22ha được trồng tại bản Sen Thượng và 190,31ha tại 2 bản: Long San, Chiếu Sừng. Tại đây, cây mắc ca ghép thuần chủng thuộc 7 dòng khác nhau có chiều cao từ 1 - 1,5m đã bắt đầu bám đất và sinh trưởng thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có một số ít cây kém phát triển hoặc bị chết, khiến công nhân công ty phải kiểm tra thực địa thường xuyên để trồng dặm.

Tại khu vực trồng mắc ca của bản Sen Thượng, anh Trần Văn Hải, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chia sẻ: Sau khi bén rễ, cây mắc ca bắt đầu thích ứng điều kiện thổ nhưỡng và sống được. Nhưng trong một năm đầu mới trồng, cây phát triển chưa vượt trội. Khoảng từ 2 năm trở đi, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, nếu thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, đến năm thứ 3 sẽ bắt đầu cho quả bói. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây mắc ca khá bận rộn, chúng tôi thường ví như chăm sóc con mọn. Ðối với diện tích mới trồng, hàng ngày cán bộ kỹ thuật và công nhân phải đi kiểm tra, theo dõi sát sao sự phát triển, sinh trưởng của cây. Nếu cây nào bị nấm, bệnh, thì nhanh chóng phun phòng đảm bảo để không lây sang các cây khác. Khi phát hiện một vài cây bị chết phải trồng lại ngay, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển và ra hoa cùng thời điểm với các cây xung quanh thì mới dễ dàng thụ phấn chéo, tăng năng suất, chất lượng quả mắc ca”.

Mới đây, khi tham quan thực tế vườn ươm và diện tích trồng mắc ca tại xã Sen Thượng, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá: Việc trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện biên giới trọng yếu Mường Nhé có ý nghĩa rất lớn, ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế còn là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư, hạn chế phá rừng làm nương và nâng cao đời sống của nhân dân. Ðây là hướng phát triển có tính chất lâu dài (vì cây cho thu hoạch từ 40 - 60 năm), sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, về an ninh chính trị, góp phần phát triển toàn diện, mọi mặt của địa phương... Vì thế, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để Công ty khắc phục những khó khăn, tiếp tục triển khai trồng mắc ca theo dự án.

Phương Liên - Phạm Trọng Tú
Bình luận
Back To Top