Trồng rau thủy canh, phát triển nông nghiệp sạch

09:07 - Thứ Tư, 25/12/2019 Lượt xem: 10325 In bài viết

ĐBP - Rau, củ, quả an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ bữa ăn hàng ngày đang trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, các vườn rau được trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chỉ đủ cung cấp cho một bộ phận nhỏ người có nhu cầu. Do vậy, mô hình trồng rau thủy canh mới ra đời đang là hướng phát triển nông nghiệp sạch, góp phần giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn rau củ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.

Anh Bùi Ðức Dương chăm sóc dưa kim hoàng hậu.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, mô hình rau thủy canh của anh Bùi Ðức Dương, tổ dân phố 5, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) được đánh giá là mô hình trồng thủy canh triển vọng. Nhận thấy nhu cầu thiết yếu của người dân về sử dụng nguồn thực phẩm sạch, an toàn, sau một thời gian nghiên cứu, năm 2016 anh Dương chuyển đổi 100m2 đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với chi phí khoảng 70 triệu đồng. Ban đầu, anh Dương xây 100m2 nhà lưới để trồng dưa kim hoàng hậu với thiết bị được nhập từ nước ngoài và được các chuyên gia nông nghiệp tư vấn, giám sát thi công, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật. Hệ thống tưới được lập trình tự động và cung cấp lượng thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Mỗi năm dưa kim hoàng hậu trồng trong nhà lưới được 2 vụ với khoảng 500 gốc/vụ. Dưa được thụ phấn, sản lượng từ 1 - 2 quả/cây và hiện nay vườn dưa của anh chuẩn bị cho thu hoạch, xuất bán. Từ thành công với dưa kim hoàng hậu, anh Dương trồng xen canh thêm 3 vụ dưa chuột bao tử. Với giá bình quân 350 nghìn đồng/quả dưa kim hoàng hậu ép khuôn “lộc phát”, 60 nghìn đồng/kg dưa kim hoàng hậu không ép khuôn và 35 nghìn đồng/kg dưa chuột bao tử, mô hình trồng thủy canh này mang lại lợi nhuận cho anh Dương mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Anh Bùi Ðức Dương cho biết: “Vì được che chắn, không phải tiếp xúc với đất, được trồng trên máng cao nên mô hình thủy canh hạn chế được sự lây nhiễm của sâu bệnh, không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trồng rau thủy canh phải tuân thủ nghiêm kỹ thuật mới đạt năng suất, chất lượng cao. Tùy từng loại, thời gian có thể  ngắn hơn hoặc kéo dài hơn vài ngày. Giá bán của sản phẩm cũng cao gấp từ 2 - 4 lần rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và gấp từ 6 - 8 lần so với trồng rau truyền thống”.

Thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng sản phẩm cao nên mặc dù giá bán cao hơn các sản phẩm rau thông thường nhưng sản phẩm vẫn không đủ nguồn cung, vì nhu cầu sử dụng nguồn rau sạch hiện nay là rất lớn. Do đó, anh Dương đã hỗ trợ vật tư, cây giống, hướng dẫn nhiều hộ gia đình có nhu cầu trồng rau thủy canh tại ban công, sân thượng. Mới đây, mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Trần Lan Phương, tổ dân phố 15, phường Nam Thanh do anh Dương hỗ trợ triển khai với khoảng 200 gốc rau các loại.

Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, quy mô 600m2, sản lượng khoảng 70 tấn/năm; Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, quy mô diện tích 3ha, năng suất trung bình đạt 18 tấn/ha, sản lượng khoảng 60 tấn/năm. Ðây sẽ là hướng phát triển nông nghiệp sạch trong thời gian tới cần khuyến khích để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top