Nâng tầm những đam mê, sáng tạo

09:22 - Thứ Năm, 26/12/2019 Lượt xem: 10135 In bài viết

ĐBP - Sau khi công nhận 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của tỉnh năm 2019, lần đầu tiên Ðiện Biên có 5 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Ðây là một trong các hoạt động nằm trong chương trình khuyến công quốc gia nhằm tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng và giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Chị Ðinh Thị Kim Oanh (phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) giới thiệu bộ sản phẩm rượu Mountain Queen. Ảnh: Mai Phương

Là một trong 5 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh sẽ tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020, bộ sản phẩm rượu Mountain Queen (rượu sơn tra mật ong, rượu ngọc cẩu, rượu hoa quả) của chị Ðinh Thị Kim Oanh, tổ dân phố 18, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) được Hội đồng bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh đánh giá rất cao. Tìm hiểu quy trình sản xuất, ý nghĩa sản phẩm... mới thấy hết được những sáng tạo, đam mê cũng như kỳ vọng của người sản xuất.

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng làm bộ sản phẩm rượu này, chị Ðinh Thị Kim Oanh cho biết: Một lần tình cờ trong chuyến công tác lên vùng cao tôi đã thực sự thích thú bởi những hạt lúa nương thơm dẻo của dân tộc Mông dù chỉ sống nhờ nước mưa và ngậm sương đêm. Nhận thấy đây là nguyên liệu có hương vị và dinh dưỡng tuyệt vời cho sảm phẩm lên men, tôi đã sử dụng lúa nương để sản xuất ra loại rượu Mountain Queen. Ban đầu, tôi ngâm thử sơn tra với rượu chưng cất bằng nguyên liệu trên nhưng khi uống không khác gì các loại rượu ngâm sơn tra khác. Rượu có vị chát, chua. Bởi vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm cách loại bỏ bớt vị chát, vị chua của acid hydrocyanic trong quả sơn tra tới mức thấp nhất để không hại dạ dày. Thành công bước đầu là tinh chế được tinh chất đặc của quả sơn tra và mật ong; sau đó pha chế với rượu Whisky Mountain Queen với tỷ lệ thích hợp để cho ra một loại rượu có tên gọi “ sơn tra mật ong” được người dùng đánh giá cao. Tiếp nối thành công đó, tháng 6/2019 tôi tiếp tục cho ra mắt thêm sản phẩm rượu ngâm ngọc cẩu với màu hổ phách và hương thơm, vị cay nhẹ.

Với những nguyên liệu địa phương, vừa kế thừa phương pháp chưng cất rượu truyền thống kết hợp áp dụng công nghệ hiện đại, chị Oanh đã đưa sản phẩm lên tầm cao mới. Ðặc biệt là việc sử dụng nguyên liệu 100% sạch, chọn lọc tỉ mỉ như gạo nếp nương, sơn tra vùng đèo Pha Ðin (huyện Tuần Giáo), mật ong, ngọc cẩu tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên, Mường Ảng. Và điều không chỉ chúng tôi mà cả những người từng thưởng thức loại rượu này đều ngạc nhiên bởi dù không có công nghệ đắt tiền của châu Âu song rượu vẫn đạt hàm lượng methanol là “không phát hiện” (theo kết quả phương pháp thử TCVN 8010:2009). Rượu Mountain Queen có mẫu mã đẹp, chuyên nghiệp, nhìn bắt mắt và chất lượng gây bất ngờ cho khách hàng. Ðây sẽ là sản phẩm độc đáo địa phương cho khách du lịch. Khắt khe, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất bởi vậy giá bán sản phẩm cũng khá cao: 500.000 đồng/chai 700ml. Chị Oanh cho biết thêm: Sản phẩm được Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đã đưa ra khoảng 500 chai cho công tác quảng cáo và làm quen thị trường. Kết quả là sản phẩm đã được một số đơn vị đưa vào hộp quà tết năm 2020. Các phản hồi từ người tiêu dùng rất tốt. Cơ sở bắt đầu sản xuất lớn để sản phẩm có đủ thời gian đóng chai như quy định 3 năm; đến năm 2020 dự kiến cho ra thị trường 2.000 chai, năm 2021 là 3.000 chai. Lần đầu tiên rượu Whisky sản xuất tại Ðiện Biên đăng ký thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đồ uống có cồn với nhãn hiệu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 6-3:2010/BYT.

Ngoài bộ sản phẩm rượu Mountain Queen của chị Oanh, tỉnh ta có nhiều sản phẩm khác được đánh giá có tiềm năng, thế mạnh trong tương lai không xa trên thị trường trong và ngoài nước như: Cà phê túi lọc Smile single bag coffee của Công ty TNHH Hải An (huyện Mường Ảng) với quy mô sản xuất 60.000 gói năm 2019, doanh thu sản phẩm 400 triệu đồng/năm, được chứng nhận quyền sử dụng mã số của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; sản phẩm Ðông trùng hạ thảo sấy khô của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) với quy mô sản xuất 1.000 sản phẩm/năm, doanh thu sản phẩm 4,5 tỷ đồng; hộp đựng chè của HTX Ðồ thủ công mỹ nghệ Anh Minh (phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ) với quy mô sản xuất 4.500 sản phẩm/năm, doanh thu sản phẩm đạt 2,5 tỷ đồng; bộ sản phẩm khăn piêu, khăn tay, khăn quàng cổ, túi Thái, áo chàm nam của hộ kinh doanh Lò Văn Phong (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) với quy mô sản xuất hàng trăm sản phẩm mỗi loại, doanh thu sản phẩm đạt 750 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Bẩy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao tính sáng tạo, tính ứng dụng, tính thương mại của sản phẩm, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng đề án tổ chức cuộc thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu hàng năm nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất phát huy ý tưởng sáng tạo, thiết kế mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Số lượng tác phẩm dự thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tăng dần qua các năm chứng tỏ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thiết kế những mẫu mã mới lạ để mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 9/10 huyện, thị, thành phố đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh với 56 sản phẩm của 31 cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó chủ yếu là tại TP. Ðiện Biên Phủ (15 sản phẩm), huyện Ðiện Biên (13 sản phẩm), Mường Ảng (12 sản phẩm), TX. Mường Lay (4 sản phẩm)… Sản phẩm tham dự chủ yếu là nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (dệt thổ cẩm, gỗ, tre nứa, song mây) và nhóm sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm.

Ðược bình chọn sản phẩm tiêu biểu đã nâng tầm sản phẩm, là nguồn động viên rất lớn sau những tâm huyết và công sức cho sản phẩm của các cơ sở CNNT. Ðây được xem là cơ hội để cơ sở có điều kiện quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất còn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nên chưa nhiệt tình tham gia. Ðể hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu có hiệu quả, phát huy khuyến công, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với Sở để xây dựng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả chương trình bình chọn sản phẩm CNTT tiêu biểu trong các năm tiếp theo.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top