Nông thôn thay áo mới

09:36 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 9690 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều vùng nông thôn ở tỉnh ta đã khởi sắc, vươn mình phát triển đầy ấn tượng. Hành trình 10 năm xây dựng NTM đã khẳng định đây là chương trình mang tính đột phá, thúc đẩy khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển căn bản và toàn diện.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của nhiều địa phương.  Trong ảnh: Ðường nông thôn mới xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng).

Nhận diện khó khăn, tìm giải pháp phù hợp

Tỉnh Ðiện Biên có tổng số 116 xã tham gia xây dựng NTM, trong đó: 29 xã biên giới, 87 xã nội biên. Xuất phát điểm xây dựng NTM của các xã trên địa bàn tỉnh đều rất thấp. Năm 2011, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của các xã chỉ là 1,4 tiêu chí. Quy mô nền kinh tế nhỏ, các nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí, phân bố dân cư không đồng đều... Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về xây dựng NTM còn mơ hồ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Với quyết tâm chính trị cao, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh đã nhận diện những khó khăn, thử thách và đề ra nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương. Những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, phân công cụ thể như: Tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được ý nghĩa của chương trình và vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia; UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các xã xây dựng đồ án quy hoạch xây dựng NTM và Ðề án xây dựng NTM cấp xã làm cơ sở tổ chức thực hiện; lựa chọn các xã điểm ưu tiên nguồn lực để xây dựng NTM; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ xây dựng NTM. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM.

Nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội là tiêu chí khó nhất của các xã khi xây dựng NTM. Bởi nhóm tiêu chí này cần rất nhiều kinh phí trong khi tỉnh ta là tỉnh nghèo, miền núi, suất đầu tư lớn. Càng khó càng cần huy động sự đồng thuận của nhân dân chung tay góp sức. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân được nâng lên, đồng thuận thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ năm 2011 đến nay, cộng đồng dân cư đã đóng góp 148,2 tỷ đồng; trong đó, hội viên nông dân toàn tỉnh đã hiến 241.806m2 đất, đóng góp trên 220.000 ngày công để xây dựng và tu sửa các công trình NTM. Ðiển hình như gia đình ông Lò Văn Xương, bản Mới, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) đã tự nguyện hiến 518m2 đất vườn để xây dựng nhà văn hóa bản.

Sức sống nông thôn mới

Ðến nay, toàn tỉnh có 22 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (gồm 18 xã đạt chuẩn và 4 xã cơ bản đạt chuẩn), vượt chỉ tiêu 15 xã so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2016 - 2020; có 7/29 xã biên giới đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Bình quân đạt 9,8 tiêu chí/xã, tăng 8,4 tiêu chí so với năm 2011; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Ðó là những con số thể hiện sự chung sức đồng lòng của người dân và sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền toàn tỉnh trong công cuộc xây dựng NTM. 

Xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM. Sau 10 năm triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp, bảo trì 8.344km đường giao thông nông thôn; 112 công trình thủy lợi, 86,96km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, đặc biệt là các điểm trường tại các thôn, bản vùng khó khăn được ưu tiên đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 55/116 xã có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, khu thể thao; trạm y tế xã được ưu tiên xây dựng góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn... Trong lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất, tỉnh ta thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Ðến các xã NTM hiện nay, đổi thay dễ nhận thấy là những tuyến đường nhựa, đường bê tông từ trung tâm xã đến các bản và đường bê tông nội bản phong quang, sạch sẽ. Bản làng khang trang hơn với nhiều ngôi nhà mới thay thế những nhà tạm, dột nát; rác thải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định tạo môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Người dân đã từng bước đổi mới tư duy phát triển kinh tế, biết phát huy lợi thế địa phương để đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top