Nông dân tỉ phú nơi cực Tây Tổ quốc

09:41 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 8629 In bài viết

ĐBP - Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tấm gương và việc làm bình dị của Bác đã thấm sâu vào suy nghĩ, thúc đẩy những cán bộ, nông dân chất phác làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: Cán bộ tận tụy, người có uy tín gương mẫu, nông dân gắng sức làm giàu...

Ông Sùng Phì Sinh chăm sóc gia súc.

Trong giá rét ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - nơi cực Tây Tổ quốc. Từ lâu nơi đây được biết đến với cộng đồng người dân tộc Hà Nhì đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, một lòng theo Ðảng, chủ động học hỏi, vươn lên và tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới. Nhờ chịu khó chăn nuôi, gieo trồng, đời sống người Hà Nhì ở đây không chỉ ấm no, yên bình, mà nhiều người còn trở thành nông dân tỉ phú vùng biên.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu điểm cho chúng tôi những nông dân tỉ phú trong xã như: Chang Váng Sinh, Pờ Dần Sinh, Sùng Phì Sinh, Sừng Sừng Khai... Nghe câu chuyện làm giàu của những “nông dân tỉ phú”, chúng tôi ấn tượng với ông Sùng Phì Sinh - một nông dân chân chất, không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng ông Sinh lại là một trong số những người nông dân giàu nhất tại xã Sín Thầu, bởi sức lao động cần cù, chịu khó từ hai bàn tay trắng.

Ðến thăm cơ ngơi của ông Sùng Phì Sinh nằm giữa bản Tả Kố Khừ, chúng tôi thêm bất ngờ vì giữa bản văn hóa thuần nông, toàn những ngôi nhà gỗ, mái ngói truyền thống của dân tộc Hà Nhì lại có một biệt thự hai tầng trị giá tiền tỉ, được xây dựng khang trang, rộng rãi. Bên trong ngôi nhà là đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, hiện đại; máy móc, phương tiện phục vụ đi lại, sản xuất, chế biến nông sản, như: Máy xay xát, máy làm đất nông nghiệp, máy tuốt lúa...

Ðón tiếp chúng tôi trong trang phục truyền thống của người Hà Nhì, ông Sùng Phì Sinh chia sẻ trong niềm vui, phấn khởi: “Tất cả những gì chúng tôi có được hôm nay, đều là công sức lao động của các thành viên trong gia đình nhiều năm qua”. Trong trí nhớ của ông Sinh, những ngày cách đây 30 năm, cuộc sống gia đình ông còn nhiều khó khăn, bấp bênh do đói, nghèo bủa vây. Năm đứa con nhỏ nheo nhóc thường ốm đau, khóc vì đói. Lúc ấy, vợ chồng ông Sinh quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vay mượn tiền người thân trong bản để mua trâu, bò về nuôi.

Ban đầu chỉ là nuôi vài con trâu, con bò. Song, ông Sinh nảy ra ý tưởng phát triển đàn gia súc lớn hơn, ông dựng trang trại ở bìa rừng cách bản hơn 10km và làm lán ở đó trông đàn trâu, bò. Thuận lợi do nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nguồn nước mó sạch sẽ, đàn trâu, bò sinh trưởng, phát triển nhanh chóng, sau vài năm, đàn gia súc của ông đã tăng lên mấy chục con; và hiện nay ông Sinh đã có trên 100 con trâu, bò nuôi tại trang trại.

Thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Sinh ở gần bìa rừng. Nơi này dường như cách biệt với cuộc sống bên ngoài nên các mầm bệnh liên quan đến gia súc thường không xuất hiện, lây lan. Thức ăn của trâu, bò hoàn toàn là cỏ mọc tự nhiên và nước khe, nước mó sạch nên con  nào cũng to khỏe, béo tròn. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gia súc, ông Sinh cho biết: Kinh nghiệm của tôi đơn giản chỉ là “trăm hay không bằng tay quen”. Mỗi ngày tôi đều thả trâu, bò tự đi kiếm ăn; cứ hai ngày tôi cho chúng ăn muối một lần để tăng sức đề kháng bệnh tật. Vào mùa đông thì tôi dự trữ thêm cỏ khô, làm chuồng trại kiên cố, mái che chắn đảm bảo để chúng tránh rét…

Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái khắp nơi biết ông Sinh có đàn gia súc chất lượng tốt đã tìm đến tận nơi mua con giống, mua trâu, bò lấy thịt. Khoảng 15 năm trở lại đây, lợi nhuận từ việc bán trâu, bò đem về cho gia đình ông Sinh khoảng 400 - 600 triệu đồng mỗi năm. Từ chỗ thoát nghèo, gia đình ông Sinh đã có của ăn, của để, rồi trở thành triệu phú, tỉ phú từ lúc nào. Ðến nay, các con, cháu của ông Sinh đã đi học ngành nghề, ra trường và công tác ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Riêng con trai cả là anh Sùng Sinh Phạ thì nối nghiệp bố, trở thành một nông dân phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi trâu, bò và sinh sống tại bản Tả Kố Khừ.

Với giá bán trên thị trường hiện nay đàn trâu, hơn 100 con của gia đình ông Sinh ước tính trị giá hơn 2 tỷ đồng. Khi chúng tôi hỏi về việc có ý định bán cả trang trại hay không? Ông Sinh chỉ cười và nói rằng: “Việc chăn nuôi trâu, bò đối với tôi và các thành viên trong gia đình đã trở thành niềm vui, công việc quen thuộc hàng ngày. Vì vậy, dù có bán trang trại được tiền tỉ, tôi cũng không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã quen với cuộc sống ở đây, muốn cùng bà con nơi đây chung sức phát triển kinh tế, cùng nhau giữ rừng, giữ bình yên biên giới, nên tôi sẽ mãi gắn bó với mảnh đất này cùng với công việc mà mình yêu thích”.

Bằng việc nỗ lực phát triển kinh tế từ chăn nuôi, giữ gìn biên giới, ông Sùng Phì Sinh đã nhận được nhiều Giấy khen của chính quyền xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Kỷ niệm chương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về nỗ lực bảo vệ chủ quyền biên giới. Ðặc biệt, vào năm 2015, ông Sinh vinh dự là một trong số những nông dân tỉnh Ðiện Biên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Nỗ lực gây dựng cơ nghiệp và tâm huyết giữ gìn mảnh đất người Hà Nhì sinh sống - vùng phên giậu của ông Sinh đã trở thành câu chuyện truyền động lực, sức mạnh cho các thế hệ con cháu và nông dân trên địa bàn tiếp tục bám đất, bám rừng, chịu khó lao động sản xuất nơi cực Tây Tổ quốc. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế khẳng định: “Nhờ có ông Sùng Phì Sinh đi đầu trong việc chăn nuôi, giữ gìn rừng, bảo vệ đường biên mốc giới mà các hộ dân trong xã cũng làm theo. Ðến nay toàn xã có trên 10 hộ chăn nuôi số lượng lớn. Nhờ tích cực thông tin trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất, các hộ dân chăn nuôi đã vươn lên làm giàu chính đáng, chứ không trông chờ ỷ lại vào chế độ, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Họ đã và đang góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn vùng cao no ấm, yên bình”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top