Làm giàu từ mô hình tổng hợp

09:45 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 7561 In bài viết

ĐBP - “Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm; không nản chí trước những khó khăn” - đó là những gì người dân địa phương nhận xét về ông Lương Ngọc Thanh, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Ông Lương Ngọc Thanh cho chim bồ câu ăn.

Từ quê cũ ở tỉnh Lạng Sơn theo gia đình lên Tây Bắc xây dựng kinh tế mới từ khi mới 11 tuổi, cậu bé Thanh đã làm quen với công việc đồng áng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng do nhà đông anh em mà diện tích ruộng đất ít, khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi mới tuổi đôi mươi nhưng chàng thanh niên Lương Ngọc Thanh đã sớm nung nấu ước mơ làm giàu với hướng đi mới mà không đơn thuần chỉ dựa vào cây lúa.

Nói là làm, ban đầu khởi nghiệp, ông Thanh bàn bạc với gia đình đầu tư dụng cụ nấu rượu. Nhờ vào sự cần cù, chịu khó của bản thân, ông vừa sản xuất rượu cung ứng ra thị trường, vừa tận dụng phụ phẩm dư thừa từ sản xuất rượu để chăn nuôi lợn thịt với quy mô từ 7 đến 10 con/lứa. Vì quy mô nhỏ nên mọi thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

 “Trước đây, gia đình có 4 người, chi phí học hành cho con cái tốn kém mà chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ thì nguồn thu không đáng kể. Vậy nên, bằng nguồn vốn sau nhiều năm tích góp cộng thêm vốn vay từ ngân hàng, năm 2012, tôi đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt với quy mô từ 200 con trở lên/lứa. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 20 tấn lợn thịt; trừ chi phí cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Sau hơn 5 năm phát triển mô hình chăn nuôi lợn, từ một hộ gia đình có mức sống trung bình, gia đình tôi đã có kinh tế khá giả” - ông Thanh tâm sự.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Thanh không được “thuận buồm, xuôi gió” kể từ cuối năm 2017, khi giá lợn thịt “chạm đáy” người chăn nuôi lỗ nặng và đặc biệt dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Ðiện Biên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi của gia đình ông. Nhận định được những rủi ro có thể xảy ra nếu tiếp tục tái đàn, vì vậy sau khi xuất chuồng lứa lợn thịt vào giữa năm 2018, ông Thanh đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ chăn nuôi lợn thịt sang nuôi chim bồ câu. Sau khi tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình thực tế, ông nhận thấy nuôi chim bồ câu là hướng đi đúng mà nhu cầu thị trường chim thương phẩm lớn nên đã mở rộng quy mô.

Không chỉ tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi chim, phòng chống dịch bệnh qua các phương tiện thông tin đại chúng mà ông Thanh còn trực tiếp đến các trang trại để tìm hiểu. Nhờ vậy, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, áp dụng vào chăn nuôi giúp đàn chim phát triển ổn định và luôn duy trì khoảng 1.000 con; mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Gia đình ông Lương Ngọc Thanh là một trong những hộ người đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã. Khi thành công trong phát triển kinh tế, ông Thanh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ để bà con trên địa bàn học hỏi và làm theo.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top