Khởi sắc Huổi Só

10:49 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 9151 In bài viết

ĐBP - Sau cuộc di vén dân vì dòng điện quốc gia, cấp ủy, chính quyền xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) đã có nhiều quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế địa phương. Chuyển đổi cây trồng đúng hướng; hạ tầng giao thông, điện lưới được đầu tư là chìa khóa để giúp người dân thoát nghèo. Quan trọng hơn, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước dần bị xóa bỏ, người dân nỗ lực lao động sản xuất.

Người dân mua bán hàng hóa tại bến đò thôn Huổi Só 1, xã Huổi Só.

Chúng tôi trở lại Huổi Só vào một ngày cuối năm. Bến đò Huổi Lóng nhộn nhịp kẻ bán người mua, nghề đóng thuyền và dịch vụ sông nước phát triển là những khác biệt so với cách đây 5 năm - khi mới tái định cư. Ông Tẩn A Ðạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só phấn khởi cho biết: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Huổi Só vừa hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm đều cơ bản đạt, có chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Ðiển hình như chỉ tiêu về sản lượng lúa ruộng, ngô, sắn; tỷ lệ hộ nghèo (giảm từ 71% xuống 64%); sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, thực hiện hỗ trợ sản xuất theo hướng đa dạng hóa sinh kế…

Xã Huổi Só bắt đầu “thay da đổi thịt” khoảng 3 năm trở lại đây. Xuất phát điểm đầu tiên, căn nguyên của sự thay đổi đến từ đội ngũ cán bộ xã khi lực lượng cán bộ trẻ mang đến “sức bật” với sự đổi mới về tư duy, tác phong, lề lối làm việc; tích cực xuống cơ sở, xung kích, năng động, sáng tạo trong giải quyết công việc, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền với người dân, củng cố niềm tin và quyết tâm vươn lên của nhân dân. Từ đó, thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, từ tuyên truyền vận động, đưa nghị quyết vào cuộc sống đến triển khai các chương trình dự án luôn được người dân đồng thuận. Ðiển hình như thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, trước đây xã Huổi Só triển khai rất khó khăn vì người dân thường không đồng thuận khi dự án vướng vào diện tích đất nương, ruộng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, UBND xã chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách thôn bản, gần dân, tăng cường tuyên truyền, giải thích về chính sách, lợi ích các chương trình, dự án mang lại đã làm chuyển biến nhận thức, người dân tự nguyện hiến đất để thực hiện các dự án vì lợi ích của cộng đồng.

Một trong những đổi thay rõ rệt của Huổi Só là hạ tầng giao thông. Ðến nay, 9/9 thôn đều có đường đến trung tâm xã xe ô tô đi lại thuận tiện cả 4 mùa. Cùng với tổ chức duy tu, sửa chữa nhỏ và khai thác hiệu quả các tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn tái định cư thủy điện Sơn La, xã Huổi Só kiến nghị UBND huyện ưu tiên các nguồn vốn: 30a/CP, 135/CP và nông thôn mới để đầu tư xây dựng các tuyến đường liên thôn; nâng cấp, mở mới các tuyến từ trung tâm xã đến các thôn. Từ năm 2015 đến nay, xã Huổi Só được đầu tư 4 tuyến đường giao thông, trong đó: Bê tông hóa 3 tuyến đường nội thôn và xây dựng mới 1 tuyến đường đến thôn Hồng Ngài.

Từ ngày ngăn đập Thủy điện Sơn La, một phần diện tích của xã Huổi Só chìm dưới mặt nước sông Ðà nhưng lại mở ra một lợi thế mới trong phát triển kinh tế. Năm 2015, bến đò Huổi Lóng được đầu tư xây dựng đã trở thành trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa chính của xã Huổi Só. Hàng ngày, từ 7 giờ sáng, người dân tập trung mua bán từ nông sản, thủy sản đến hàng gia dụng tại bến đò, đến khoảng 10 giờ, hàng hóa theo thuyền, bè xuôi dòng xuống Quỳnh Nhai (Sơn La). Tận dụng lợi thế mặt nước, một số hộ dân đã thay hình thức đánh bắt thủy sản bằng vó bè sang đầu tư nuôi cá lồng. Hiện nay, toàn xã có 6 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Ðà; dự kiến năm 2020 sẽ có thêm 8 hộ triển khai nuôi cá lồng. Anh Vừ A So, người tiên phong nuôi cá lồng ở thôn Hồng Ngài chia sẻ: “Tôi nuôi cá lồng trên sông Ðà đã được gần 6 năm. Nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất trên nương, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 60 - 70 triệu đồng”.

Nắm bắt nhu cầu phát triển kinh tế ven sông, một số hộ dân đầu tư nghề đóng thuyền và dịch vụ vận tải đường thủy. Toàn xã hiện có 7 hộ làm nghề đóng thuyền tại 4 thôn: Huổi Só 1, Huổi Só 2, Pê Răng Ky và Huổi Lóng; trung bình mỗi hộ đóng 25 - 30 chiếc thuyền/năm với tiền công khoảng 2 triệu đồng/chiếc. Ông Phàn A Ảnh, thợ đóng thuyền ở thôn Huổi Só 2 cho biết: “Ngoài đóng thuyền cho khách, gia đình tôi cũng đầu tư 1 chiếc thuyền có trọng tải 50 tấn để làm dịch vụ chở thuê nông sản mùa thu hoạch, vật liệu xây dựng và chở khách du lịch tham quan sông Ðà khi họ có nhu cầu”.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top