Triển vọng “cánh đồng 1 giống”

11:08 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 9786 In bài viết

Từ hiệu quả thí điểm vụ mùa năm 2018, mô hình “cánh đồng 1 giống” được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Ðiện Biên triển khai nhân rộng trong vụ đông xuân 2018 - 2019 và vụ mùa 2019. Mô hình nhằm nâng cao trình độ thâm canh lúa nước cho nông dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, từ đó tăng giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương.

Nông dân đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) chăm sóc lúa mô hình “cánh đồng 1 giống” trong vụ mùa 2019.

Sản xuất tập trung

Mô hình “cánh đồng 1 giống” áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên toàn diện tích ngay từ đầu vụ như: Cấy tập trung, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Nhờ áp dụng máy cấy nên tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm 80 - 90% so với diện tích ngoài mô hình; cây lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, trỗ bông tập trung. Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế để thóc không bị lẫn tạp, đảm bảo yêu cầu của đơn vị thu mua. Do kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc trừ sâu giai đoạn đầu vụ, phun trừ khi đến ngưỡng nên hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh đến năng suất cuối vụ. Việc áp dụng máy cấy trong mô hình đã góp phần kiểm soát tốt sinh vật gây hại như: Thời gian xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp hơn so với ngoài mô hình; xuất hiện theo lứa tập trung nên việc triển khai phun trừ được đồng loạt, hiệu quả phòng trừ cao hơn.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mô hình “cánh đồng 1 giống” với mục đích áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Sản xuất 1 giống lúa trên những cánh đồng mẫu lớn lần đầu tiên được triển khai thành công, được xem là một giải pháp quan trọng góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập từ trồng lúa. Qua đó từng bước tiến tới cơ giới hóa các khâu sản xuất, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo sự phát triển chuỗi trong sản xuất lúa gạo.

 Vụ mùa 2019, mô hình “cánh đồng 1 giống” được triển khai trên diện tích 8,3ha, sử dụng giống lúa Nam Hương 4 với 38 hộ dân đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) tham gia. Kết thúc vụ sản xuất, năng suất lúa ước đạt 70 tạ/ha; lãi ròng ước đạt gần 21 triệu/ha (tăng hơn 12 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình; chi phí sản xuất giảm hơn 9 triệu đồng/ha); giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 1,5 - 3 lần; lượng phân đạm sử dụng thấp hơn 33%; khắc phục tình trạng lúa lẫn, nâng cao chất lượng gạo.

Anh Lò Văn Hạnh, Ðội trưởng đội 15, xã Thanh Xương cho biết: Gia đình tôi có 2.500m2 ruộng lúa tham gia mô hình. Lúc mới tham gia mô hình, chúng tôi cũng e ngại, nhưng đến khi cây lúa phát triển tốt và khi thu hoạch chất lượng lúa tốt hơn những vụ trước, bà con rất mừng. Mong rằng, những vụ tiếp theo địa phương sẽ tiếp tục triển khai mô hình.

Hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Với kết quả vượt trội trong vụ mùa 2019, mô hình “cánh đồng 1 giống” đã chứng minh và phát huy hiệu quả chương trình ứng dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, dễ áp dụng với điều kiện thực tế sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Với chất lượng lúa gạo của mô hình đã bước đầu tạo được sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ; sản xuất theo quy trình, sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào và thực hiện ghi chép theo dõi các hoạt động theo yêu cầu đơn vị thu mua. Trong những vụ tiếp theo, huyện tiếp tục triển khai mô hình “cánh đồng 1 giống” trên những khu vực dồn điền đổi thửa tại các xã vùng lòng chảo như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh An, Thanh Xương. Hộ tham gia sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 62/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Có thể thấy rằng, mặc dù mới triển khai qua 3 vụ sản xuất, nhưng mô hình “cánh đồng một giống” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Mô hình đã giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Quan trọng hơn là đã làm cho nông dân từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, tư duy sản xuất nhỏ lẻ để hướng đến sản xuất hàng hóa. Thành công của mô hình sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top