Liên kết phát triển cây ăn quả

11:10 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 10170 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị cao với chủ trương và cơ chế thông thoáng, xây dựng hướng đi mới trong phát triển cây ăn quả.

Người dân xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) chăm sóc vườn cây ăn quả trồng theo phương thức liên kết “4 nhà”.

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển cây ăn quả để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm là giải pháp quan trọng tỉnh ta đang tập trung thực hiện. Ðến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 18 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp đầu tư phát triển cây ăn quả.

Mường Ảng là một trong bốn huyện được xác định là vùng chuyên canh phát triển cây ăn quả của tỉnh, cũng là địa phương tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 dự án lớn đang triển khai thực hiện, gồm: Dự án Liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh leo với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc với tổng diện tích đã cho thu hoạch 32ha và Dự án Trồng cây ăn quả công nghệ cao, kết hợp với trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao do Công ty TNHH Ðầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Ðiện Biên đầu tư. Ngoài 2 dự án trồng cây ăn quả với quy mô lớn, thời gian gần đây, nhiều hộ dân các xã: Ẳng Tở, Ẳng Cang, Ẳng Nưa đăng ký chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: Cam Vinh, bưởi da xanh, xoài Ðài Loan và chanh leo.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình đầu tư các dự án cây ăn quả, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác truyền thông về chủ trương, chính sách; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia cùng doanh nghiệp thông qua các hình thức như: Cho thuê đất, góp đất. Ðồng thời, các phòng chuyên môn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xác định diện tích, lập bản đồ, lập hồ sơ địa chính chi tiết sớm hoàn thiện các thủ tục thuê đất và tích tụ đất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài huyện Mường Ảng, các huyện khác như: Tuần Giáo, Ðiện Biên, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ cũng đang vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển cây ăn quả. Năm 2019, toàn tỉnh có 353,85ha đất lúa, đất màu được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Trong đó nhiều nhất là huyện Tuần Giáo 127,05ha; Ðiện Biên 55ha; Mường Ảng 87,6ha.

Thực hiện liên kết “4 nhà”

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp tỉnh, 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Ðiện Biên đã triển khai thực hiện các dự án trồng cây ăn quả theo mô hình liên kết “4 nhà”. Qua kiểm tra, đánh giá, phần lớn các mô hình cây trồng đều đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt. Một số diện tích cây trồng năm 2017 đã bắt đầu cho quả bói. 100% dự án đều có sự liên kết “4 nhà”: Nhà cung ứng giống, nhà nông, Nhà nước và nhà tiêu thụ sản phẩm. Ðây là hướng đi mới trong phát triển cây ăn quả, là mô hình khép kín và lợi ích của người dân được đảm bảo tối đa.

Huyện Ðiện Biên có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh với 1.228,8ha. Phát triển cây ăn quả đang là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình Nông thôn mới, huyện Ðiện Biên triển khai phát triển cây vú sữa tập trung tại 2 xã Thanh Hưng và Thanh Luông với tổng diện tích trồng mới 20ha. Ðồng thời phát triển cây ăn quả chủ lực theo lợi thế từng vùng như: Lê ghép tại xã Pá Khoang, Mường Phăng (23,05ha); thanh long tại xã Noong Luống, Thanh Xương (5ha); bưởi da xanh tại các xã vùng lòng chảo (45ha); cam ở xã Mường Nhà, Na Tông (30ha).

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Thanh Hưng lựa chọn cây vú sữa làm sản phẩm thương hiệu của xã. Từ năm 2018 đến nay, xã Thanh Hưng đã triển khai trồng tập trung 10ha cây vú sữa theo mô hình liên kết “4 nhà”. Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Cây vú sữa rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu xã Thanh Hưng. Trước đây, người dân trồng cũng nhiều nhưng phân tán, 1 - 2 cây/hộ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. 2 năm trở lại đây, xã sử dụng nguồn vốn nông thôn mới để thực hiện các dự án trồng cây vú sữa tập trung. Trong khoảng 3 - 5 năm tới, xã Thanh Hưng cùng với Thanh Luông sẽ là vùng chuyên canh cây vú sữa của huyện Ðiện Biên.

Nhằm hỗ trợ phát triển các dự án cây ăn quả tập trung, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm phát triển cây ăn quả tại các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình. Tỉnh ủy đã mời các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam lên khảo sát thực tế tại tỉnh và tổ chức tham vấn phát triển nông nghiệp. Với những giải pháp cụ thể, kỳ vọng trong thời gian không xa, tỉnh ta sẽ xây dựng thành công các vùng chuyên canh cây ăn quả; liên kết “4 nhà” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top