Phát triển thủy điện gắn với bảo vệ rừng

14:24 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 9335 In bài viết

ĐBP - Các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp vào việc cung ứng điện, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, mà còn tác động rất lớn đến việc điều tiết nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các công trình thủy điện tác động nhất định đến đời sống, sản xuất của người dân và làm thay đổi hệ sinh thái rừng, dòng chảy của sông, suối. Vậy nên, trước mỗi dự án thuỷ điện được đầu tư trên địa bàn, tỉnh Ðiện Biên luôn đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu, nhất là hạn chế tác động đến rừng. Và chính việc thực hiện đúng các tiêu chí về môi trường là cơ sở, điều kiện để đầu tư dự án thủy điện..  

Công nhân Nhà máy Thủy điện Trung Thu tỉa cành vườn keo xung quanh Nhà máy.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến Nhà máy Thủy điện Trung Thu thuộc xã Pa Ham (huyện Mường Chà) - một trong những dự án thuộc hệ thống quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Dù mới hoàn thành và tích nước để phát điện khoảng 3 năm nay, song Nhà máy Thủy điện Trung Thu đã làm rất tốt công tác trồng cây phủ xanh đồi núi trọc. Nếu như trước kia, khi vừa hoàn thành, diện tích đất xung quanh nhà máy chỉ trơ trọi toàn sỏi, đá, thì nay đã được phủ xanh bởi những hàng cây keo xanh mướt.

Dẫn chúng tôi tham quan diện tích rừng đã trồng, anh Lê Văn Thắng, Quản đốc Nhà máy Thủy điện Trung Thu cho biết: “Khi thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Thu do không ảnh hưởng đến rừng nên đơn vị không phải trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp quanh nhà máy, đơn vị đã phát động cán bộ, công nhân viên trồng gần 4ha cây keo phủ xanh những vùng đồi bị san ủi trong quá trình xây dựng công trình. Từ khi trồng cây đến nay, anh em tích cực chăm sóc nên cây phát triển rất tốt, góp phần quan trọng vào việc tạo màu xanh cho nhà máy”.

Theo Quản đốc Lê Văn Thắng, Nhà máy Thủy điện Trung Thu xây dựng trên tổng diện tích gần 300ha, với thể tích lòng hồ hơn 30 triệu mét khối nước trên hệ thống sông Nậm Mức và sông Ðà, thuộc địa bàn 2 xã: Pa Ham (huyện Mường Chà) và Trung Thu (huyện Tủa Chùa). Bên cạnh nỗ lực phát triển, phát huy tối đa lợi ích kinh tế của nhà máy, công tác đảm bảo điều kiện môi trường luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Công ty đều chấp hành nghiêm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Công ty còn ký hợp đồng với các cơ quan chuyên ngành môi trường tiến hành đo quan trắc, đánh giá kiểm soát ô nhiễm môi trường để thực hiện khắc phục ô nhiễm môi trường. Qua phân tích, các mẫu thử đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam về môi trường.

Ngoài Nhà máy Thủy điện Trung Thu, thời gian qua, Nhà máy Thủy điện Nậm Mức thuộc địa bàn xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) và xã Pa Ham (huyện Mường Chà) cũng làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường và quan tâm bảo vệ, phát triển rừng. Giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng, Nhà máy Thủy điện Nậm Mức đã đền bù đầy đủ cho người dân trên địa bàn; đồng thời tiến hành trồng rừng thay thế. Do quá trình xây dựng và vận hành nhà máy đã tác động đến rừng nên đến nay nhà máy đã tiến hành trồng trên 13ha rừng thay thế.

Có thể nói, thời gian qua, công tác quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ngoài tiêu chí kinh tế kỹ thuật thì tiêu chí về môi trường được xem xét, kết hợp kỹ lưỡng. Trong đó, các dự án thủy điện phải đảm bảo yêu cầu vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa bảo vệ được hệ sinh thái tự nhiên... Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ðến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 46 dự án, nhà máy thủy điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch, với tổng công suất lắp máy dự kiến là 508MW. Trong đó có 11 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác; 5 dự án thủy điện đang thi công xây dựng; 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; 11 dự án thủy điện chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án thủy điện trong quy hoạch đang thực hiện các thủ tục để loại khỏi quy hoạch. Các dự án thủy điện được đầu tư xây dựng, vận hành khai thác, đang thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các công trình thủy điện vừa và nhỏ, số hộ dân và điện tích đất bị ảnh hưởng không lớn. Trong đó chủ yếu bồi thường về đất nương, đất sông suối, hạn chế sử dụng diện tích đất ruộng và đất rừng.

Khi được hỏi về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Vũ Hồng Sơn nhấn mạnh: Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế, thực hiện chính sách pháp luật về chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các dự án thuộc đối tượng trồng rừng thay thế đã được chủ đầu tư thực hiện trồng bù rừng theo quy định hoặc nộp tiền trồng bù rừng thay thế khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Trong đó, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng phải trồng thay thế là 290,2ha và đến nay đã thực hiện trồng bù rừng thay thế toàn bộ diện tích trên. Ngoài ra, các dự án thủy điện cũng tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Nơi các nhà máy thủy điện được xây dựng, về cơ bản không làm thay đổi các đặc trưng hình thái và dòng chảy của các dòng sông, suối, hạn chế sự biến động của các hệ sinh thái ở vùng hạ du. Bên cạnh đó, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng của các dự án đang vận hành khai thác cơ bản đảm bảo, kịp thời, góp phần tăng sinh kế cho nhân dân.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top