Nâng cấp Cảng Hàng không bệ phóng để

Ðiện Biên cất cánh

14:28 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 7793 In bài viết

ĐBP - Cảng Hàng không Ðiện Biên có vai trò quan trọng kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Ðặc biệt, giữ vị trí xung yếu trong bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng. Do vậy, đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên là nhiệm vụ hết sức cần thiết, được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ủng hộ và cũng là nguyện vọng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.

Ðại diện lãnh đạo tỉnh Ðiện Biên làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Trước hết phải khẳng định vai trò, vị trí của Ðiện Biên rất quan trọng trong mối liên kết vùng. Ðó là tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 2 tỉnh: Phoong Sa Ly, Luông Pha Băng (CHDCND Lào); là khu vực có điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu, chế biến nông sản và thương mại biên giới. Ðặc biệt, Ðiện Biên có có địa danh lịch sử mang tầm vóc toàn cầu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ; được xác định là một trong các địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch của quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông đang là “nút thắt”, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác, phát huy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Hệ thống đường bộ xa xôi, chủ yếu đèo dốc dẫn đến hạn chế trong việc lưu thông. Trong khi đường hàng không đã được xây dựng từ lâu; qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, hiện nay Cảng Hàng không Ðiện Biên vẫn là cảng nội địa cấp 3C, với công suất 180 khách/giờ, chỉ khai thác được dòng máy bay nhỏ ATR72 và tương đương trở xuống; với duy nhất đường bay ngắn Hà Nội - Ðiện Biên và ngược lại, hiệu quả khai thác chưa cao. Theo thống kê tình hình vận chuyển hành khách giai đoạn 2005 - 2010, nhịp độ tăng trưởng khách chỉ đạt 9%/năm; vận chuyển hàng hóa là 5,2%/năm. Giai đoạn 2010 - 2018, vận chuyển hành khách gần như không tăng trưởng; vận chuyển hàng hóa giảm, chỉ đạt 2,2%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng phục vụ khai thác bay còn hạn chế, khai thác ban ngày và phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết. Hiện VASCO là đơn vị độc quyền khai thác, số lượng máy bay hạn chế, dẫn đến tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến tăng cao; trong khi giá vé trung bình gần 2 triệu đồng/lượt bay (thuộc diện cao nhất trong các tuyến nội địa). Ðiều đó đã ảnh hưởng lớn đến hành trình đi lại của nhân dân cũng như du khách trong nước và quốc tế đến với Ðiện Biên; ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Khi dự án hoàn thành sẽ có những tác động lớn, ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Theo đó, với tác động cộng hưởng đa chiều, dự báo nhịp độ tăng GDPR của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tăng trên 7,8% (vượt mục tiêu đề ra 7,5%/năm) và sớm đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế với khu vực nông, lâm nghiệp giảm còn 11,8%, công nghiệp - xây dựng 30,9% và dịch vụ tăng lên 57,3% vào năm 2028; tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên khoảng 200 nghìn tỷ đồng (năm 2018 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt hơn 10.200 tỷ đồng).

Khu vực sảnh chờ của Cảng Hàng không Ðiện Biên.

Việc nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên sẽ làm thay đổi lớn năng lực vận tải. Theo đó, với các đường bay dự báo sẽ mở gồm: Ðiện Biên - Hà Nội, Ðiện Biên - TP. Hồ Chí Minh, Ðiện Biên - Ðà Nẵng, Ðiện Biên - Huế, Ðiện Biên - Ðà Lạt… và đường bay quốc tế: Ðiện Biên - Vientiane (Lào); Ðiện Biên - Bangkok (Thái Lan)… mức sản lượng vận tải sẽ tăng như sau: Giai đoạn 2021 - 2026, nhịp độ tăng trưởng về vận tải hành khách khoảng 74,2% (hiện nay là 9%), với khoảng hơn 1,3 triệu hành khách vào năm 2026; nhịp độ tăng trưởng hàng hóa đạt 21,1% (hiện nay 2,2%). Ðến năm 2030, dự báo sản lượng hành khách khoảng hơn 2,1 triệu người/năm. Ðồng thời, khi “nút thắt” giao thông được tháo gỡ sẽ tăng điều kiện thu hút đầu tư vào tỉnh. Hiện nay, một số tập đoàn lớn như: FLC, VinGroup, TH Group đã có ý định nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng tại Ðiện Biên những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp; đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ thương mại… Khi các nhà đầu tư thực hiện các dự án sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng; thu hút nhiều hãng hàng không đến với Cảng Hàng không Ðiện Biên, tạo thị trường cạnh tranh, góp phần giảm giá vé, thúc đẩy các công ty lữ hành, du lịch xây dựng các tour cho khách đến với Ðiện Biên. Việc nâng cấp sân bay sẽ mở cánh cửa liên kết trực tiếp với các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn trong nước và các nước: Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Myanmar…

Kinh tế du lịch được xác định là một trong những hướng phát triển quan trọng của tỉnh Ðiện Biên. Tuy nhiên, tỷ lệ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2018 chỉ chiếm khoảng 4,7% tổng lượng hành khách. Theo thống kê, năm 2018 Ðiện Biên đón 705.000 lượt khách du lịch, thời gian lưu trú trung bình 2,4 ngày/người, song chỉ có khoảng 23.500 lượt khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3,3%. Trong khi đó, lấy Hà Nội làm trung tâm, thời gian di chuyển bằng đường bộ từ Hà Nội đến Ðiện Biên cần 8 - 10 giờ. Vì vậy, phần lớn khách du lịch có quỹ thời gian hạn chế (2 - 3 ngày) sẽ không lựa chọn Ðiện Biên làm điểm đến; thay vào đó là các địa điểm khác tại khu vực miền núi phía Bắc có nét tương đồng, nhưng ít mất thời gian hơn. Khách du lịch lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không chủ yếu là khách nước ngoài. Vì vậy, việc nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên sẽ khắc phục được những bất lợi về tính liên kết, giao thương, quảng bá hình ảnh, phát triển các tiềm năng… góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 thu hút trên 1,6 triệu lượt khách du lịch; trong đó, có 0,3 triệu lượt khách quốc tế đến Ðiện Biên; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 3.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.

Với vị trí, vai trò của Ðiện Biên trong mối quan hệ vùng, so sánh điểm yếu và cơ hội như đã nêu trên cho thấy sự bất lợi về vị trí địa lý là yếu tố cản trở rất lớn sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong khi hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh thành trên cả nước và hành lang phát triển kinh tế quốc tế còn yếu thì giao thông hàng không sẽ là lợi thế để đảm bảo rút ngắn khoảng cách, đáp ứng yêu cầu liên kết giữa các vùng và quốc tế. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên là giải pháp cấp thiết đối với chiến lược phát triển bền vững của Ðiện Biên.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top