Khuyến khích áp dụng cấy lúa bằng máy kéo tay

08:25 - Thứ Sáu, 10/01/2020 Lượt xem: 9724 In bài viết

ĐBP - Trước đây, người dân vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên vẫn chủ yếu gieo sạ lúa. Tuy nhiên, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, phương pháp gieo sạ tốn nhiều giống, tăng chi phí, cây lúa dễ bị sâu bệnh… Ðể khắc phục những hạn chế trên, những vụ sản xuất vừa qua, UBND huyện Ðiện Biên khuyến khích người dân thay đổi thói quen gieo sạ sang dùng phương pháp gieo cấy lúa bằng máy cấy.

Nông dân xã Noong Luống vẫn áp dụng phương pháp gieo sạ bằng tay nên hiệu quả sản xuất không cao.

Huyện Ðiện Biên có hơn 5.100ha đất trồng lúa; trong đó các xã vùng lòng chảo chiếm hơn 3.700ha. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Theo thống kê, hiện nay có 97% người dân vùng lòng chảo vẫn gieo sạ. Qua tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm các vụ sản xuất cho thấy, cách gieo sạ cần lượng giống trung bình 70 - 80kg/ha; tỷ lệ các loại giống lúa bị pha tạp cao dẫn đến dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh, năng suất thấp; đặc biệt chất lượng thóc, gạo bị ảnh hưởng. Từ vụ mùa năm 2018, huyện Ðiện Biên đã khuyến khích người dân thay đổi cách thức xuống giống từ gieo sạ chuyển sang gieo cấy bằng máy. UBND huyện có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân 50% kinh phí mua máy cấy kéo tay; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ và chăm sóc lúa. Từ vụ mùa năm 2018 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện mô hình áp dụng máy cấy lúa kéo tay không động cơ vào sản xuất tại địa bàn các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt… với diện tích gần 130ha. Ðến nay, đã hỗ trợ kinh phí cho người dân mua 31 máy cấy lúa kéo tay; vụ đông xuân 2019 - 2020, đã có 14 hộ dân đăng ký hỗ trợ mua máy cấy.

Sau 3 vụ sản xuất áp dụng máy cấy đã cho thấy hiệu quả tích cực về môi trường, xã hội, kinh tế hơn hẳn so với cách gieo sạ. Cụ thể: Giảm 30% lượng giống gieo; chủ động được mạ cấy, chăm sóc mạ tập trung, cây mạ khỏe, ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, phòng chống rét hiệu quả; khoảng cách cây - cây, hàng - hàng thưa nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc; lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều, lúa trỗ bông tập trung, chiều dài bông và số hạt chắc/bông cao hơn phương pháp gieo sạ. Sử dụng máy cấy mang lại hiệu quả tối ưu trong xử lý lúa lẫn trên đồng ruộng, giảm tỷ lệ lúa lẫn đến 80 - 90% so với ruộng gieo sạ. Áp dụng kỹ thuật cấy, thời gian làm đất được kéo dài, ruộng giữ nước lâu 10 - 15 ngày so với ruộng gieo sạ. Ðồng thời, chi phí sản xuất giảm từ 20% - 25%, lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha so với ruộng gieo sạ. Công lao động bình quân giảm 20%; tính trung bình 1ha, số công lao động trên ruộng cấy 125 công/ha, còn 1ha gieo sạ lên đến 158 công. Về mặt môi trường, giảm áp lực về sâu bệnh hại, lượng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, giảm ô nhiễm môi trường. Quan trọng nhất là chất lượng hạt gạo được nâng lên và giá bán tốt hơn.

Ðể hướng tới cơ giới hóa trong ngành Nông nghiệp, giảm dần sức lao động người dân, tăng năng suất, sản lượng, thời gian tới huyện Ðiện Biên tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng máy cấy tại các xã đã triển khai. Vụ đông xuân 2019 - 2020, tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy khoảng 100ha tại các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng và thực hiện thí điểm 20ha tại xã Noong Hẹt và Thanh Nưa. Ðể khuyến khích người dân thay đổi cách thức sản xuất từ gieo sạ sang cấy máy, huyện Ðiện Biên tiếp tục thực hiện chính sách tạm thời về hỗ trợ kinh phí mua máy cấy kéo tay; đồng thời bổ sung mức hỗ trợ đối với máy cấy lúa gắn động cơ là 6 triệu đồng/máy đến hết năm 2020.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top