Tủa Chùa phát triển chè thành cây công nghiệp chủ lực

10:50 - Thứ Sáu, 10/01/2020 Lượt xem: 9557 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương phát huy các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân trên địa bàn, huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND 4 xã phía Bắc: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải tập trung phát triển cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực.

Người dân xã Sín Chải thu hái chè cổ thụ.

Hiện nay, huyện Tủa Chùa có 595ha chè, trong đó: 8.000 cây chè cổ thụ (tương đương 30ha) tập trung tại 2 xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng; 270ha chè cây thấp tập trung tại xã Sính Phình cho thu hái thường xuyên. Mỗi năm, cây chè cho thu hoạch hơn 80 tấn búp tươi, tương ứng với khoảng 15 tấn chè khô. Hiện nay chè búp tươi cây thấp được các đơn vị thu mua với giá 12.000 đồng/kg, UBND huyện Tủa Chùa hỗ trợ thêm cho người dân 3.000 đồng/kg. Thu nhập từ cây chè đã giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống.

Gia đình chị Thào Thị Sông, thôn Tà Pao, xã Sính Phình trồng 2ha chè cây thấp, trong đó diện tích chè cho thu hoạch khoảng gần 1ha. Mỗi tuần, gia đình chị Sông thu hái được từ 10 - 20kg búp tươi, với giá bán 12.000 đồng/kg cho thu nhập từ 120.000 - 240.000 đồng/tuần. Chị Sông cho biết: Giai đoạn này, mặc dù diện tích chè cho thu hoạch chưa nhiều nhưng so với trồng ngô một năm chỉ được một vụ thì trồng chè cho thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, hiện nay trong khi việc thu mua và chế biến chè cổ thụ vẫn ổn định, giá bán ngày càng tăng, có thời điểm giá chè cổ thụ đạt 100.000 đồng/kg búp tươi thì thu nhập từ chè cây thấp tại xã Sính Phình lại gặp nhiều khó khăn do việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè của Công ty Cổ phần giống nông nghiệp Ðiện Biên hạn chế.

Do đầu ra không ổn định, xu hướng ngày càng giảm đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ cây chè, giảm động lực của người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ vùng chè cây thấp. Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Trước những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển chè cây thấp, huyện Tủa Chùa xác định cần phải có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, phải tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Do đó, từ năm 2019, vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương và Quyết định số 45/QÐ-UBND về phát triển sự nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Ðến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng Dự án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè cây thấp với quy mô 32ha (gồm 391 hộ dân) trên địa bàn xã Sính Phình do Công ty TNHH Hương Linh làm chủ trì liên kết. Dự án sẽ cải tạo, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm chè bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ an toàn, tác động kỹ thuật đốn tỉa phù hợp và cam kết thu mua ổn định. Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” như: Hỗ trợ bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Năm 2019, huyện Tủa Chùa đã xây dựng được 3 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, đó là: Bạch trà Shan Tuyết, Shan Tuyết cổ thụ, Trà xanh Sính Phình. Qua đánh giá, chấm điểm của Hội đồng xét duyệt huyện, 3 dòng sản phẩm này đều được xếp loại 3 sao. Hiện nay, các sản phẩm đang được hội đồng cấp tỉnh chấm điểm, đánh giá và xếp loại. Cùng với đó, UBND huyện cũng chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các kênh hội chợ thương mại trên địa bàn huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận; quảng cáo giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top