63 tỉnh, thành thu ngân sách nhà nước vượt dự toán

14:57 - Thứ Sáu, 10/01/2020 Lượt xem: 16133 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (10/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Năm 2019 toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp tài chính – NSNN góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng thu cân đối NSNN đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng (vượt 9,79% dự toán giao) trong đó thu ngân sách trung ương tăng 4%, thu ngân sách địa phương tăng 17,7%. Đáng chú ý 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu NSĐP. Chi NSNN ngày càng có chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 27%; bội chi NSNN ước dưới 3,4% GDP; nợ công dưới 55% GDP...

Bám sát chủ đề: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2020 Bộ Tài chính phấn đấu thực hiện mức cao nhất mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2016-2020; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu thu ngân sách đạt trên 1.512 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 1.264 nghìn tỷ đồng; chi ngân sách trên 1.747 nghìn tỷ đồng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành Tài chính và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương trong năm qua, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Để thực hiện tốt công tác tài chính - ngân sách năm 2020, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Điều hành chi NSNN theo dự toán, tăng cường thực hành tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Cùng với đó tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ. Ngành Tài chính cần đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đức Huy
Bình luận
Back To Top