Vực dậy thương hiệu gạo nếp tan Na Son

10:08 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 10379 In bài viết

ĐBP - Nếp tan Na Son là loại gạo bản địa của huyện Ðiện Biên Ðông. Hạt nếp tan nhỏ, dẻo, thơm, ngon có tiếng trong vùng nhưng có nguy cơ bị bỏ quên, bởi lẫn tạp và năng suất thấp. Nhờ các mô hình, dự án khôi phục, phát triển sản xuất gần đây mà đến nay nếp tan Na Son đã trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của xã và được viết tên vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà.

Từ giống lúa bị bỏ quên

Nếp tan Na Son được trồng chủ yếu ở khu vực Sư Lư, xã Na Son, bao gồm các bản Na Hả, Na Lanh, Sư Lư (trước khi sáp nhập, đổi tên là các bản Sư Lư 1, 2, 3, 4, 5), bởi thích hợp với chất đất và khí hậu. Ông Lò Văn Mẹo, người cao tuổi bản Na Lanh cho biết: “Ðồng bào dân tộc Thái thường sử dụng đồ nếp trong bữa ăn hàng ngày, nên trước đây, nếp tan là nông sản không thể thiếu trong mỗi gia đình, cả cánh đồng Sư Lư khi ấy trồng độc loại lúa này. Nếp tan không chỉ phục vụ bữa ăn thường ngày mà còn để làm bánh, đồ lễ, quà biếu quan trọng của dân bản chúng tôi”. Không chỉ bà con Sư Lư mà người dân nơi khác đến đây cũng đều đánh giá cao vị dẻo ngọt, thơm ngon của nếp tan, thường tìm mua về sử dụng trong gia đình hoặc làm quà. Nhưng sau nhiều năm tự nhân giống và trồng cùng nhiều loại lúa khác trên cùng khu ruộng, nếp tan bị lẫn tạp, năng suất thấp, chu kỳ sinh trưởng lại dài hơn các giống khác đến 1 tháng nên người dân dần bỏ trồng nếp tan.

Ðến năm 2012, 2013, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên Ðông thực hiện Dự án “Xây dựng các giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa cho giống lúa đặc sản nếp tan tại tỉnh Ðiện Biên” với sự tham gia của hơn 10 hộ dân. Dự án đã cùng người dân loại bỏ giống lẫn, chọn tạo giống gốc, áp dụng nghiêm quy trình chăm sóc, kỹ thuật canh tác để đưa về giống nguyên bản, đồng nhất và nâng cao năng suất lúa. Tuy nhiên, chỉ 1 - 2 vụ sau khi kết thúc dự án, nhiều hộ dân lại một lần nữa bỏ trồng nếp tan vì diện tích manh mún, khó bảo vệ khỏi sự phá hoại của trâu, bò khi các ruộng lúa khác đã thu hoạch. Trước thực trạng đó, đến năm 2016, nhằm khuyến khích nhân dân và tạo cơ hội cho thương hiệu nếp tan phát triển, chính quyền xã đã đề xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp tan Na Son Ðiện Biên” và được UBND tỉnh cho phép. Nhưng rồi nhãn hiệu có cũng chỉ “để đấy”, chưa phát huy được giá trị. Cả vùng chỉ còn 5 - 6 hộ duy trì trồng nếp tan để phục vụ gia đình.

Những thửa ruộng nếp tan Na Son tại cánh đồng Sư Lư trĩu bông nặng hạt.

Ðến sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay hạt gạo nếp tan Na Son đã khẳng định được vị trí của mình và được người tiêu dùng đón nhận, người nông dân tha thiết gắn bó. Ðó là nhờ sự vực dậy từ Mô hình sản xuất lúa đặc sản nếp tan thuộc Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho lúa đặc sản nếp tan tỉnh Ðiện Biên do Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện. Năm 2018, Dự án được khởi động với 5ha nếp tan Na Son. Dự án chọn lọc giống, đầu tư phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác cho người dân. Ðến năm 2019, Dự án tiếp tục với sự tham gia của 17 hộ dân, trên diện tích 11ha. Qua đánh giá của chính quyền xã, nếp tan được sự hỗ trợ của Dự án có năng suất, chất lượng tốt hơn hẳn, nâng từ 35 - 36 tạ/ha lên 40 tạ/ha. Ðến mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua với giá 120.000 - 140.000 đồng/10kg thóc, trên 20.000 đồng/kg gạo, cao hơn các loại lúa, gạo địa phương khác. Vì vậy người dân rất phấn khởi. Ông Lò Văn Cơi, bản Sư Lư cho biết: Chưa thu hoạch đã có người vào đặt mua nếp tan rồi. Trồng, chăm bón đúng kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn nên năng suất nếp tan mỗi năm một cao hơn, giá bán ra thị trường cũng tăng, nên gia đình tôi rất vui và sẽ tiếp tục duy trì giống lúa này những năm sau.

Niềm vui không chỉ đến từ giá trị kinh tế tức thời mà còn bởi từ đầu năm 2019, nếp tan Na Son đã thu hút được một hợp đồng liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm từ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CCO (trụ sở tại thị trấn Ðiện Biên Ðông). Ngay trong mùa vụ 2019, HTX đã thu mua hơn 1 tấn nếp tan của nông dân khu vực Sư Lư. Qua trao đổi, người đại diện của HTX nông nghiệp CCO cho biết: HTX muốn thu mua nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng theo đặc trưng văn hóa ẩm thực dân tộc, người dân nơi đây cũng muốn giữ lại để phục vụ nhu cầu gia đình, ngoài ra còn bán cho người thân quen hoặc thương lái. Gạo nếp tan Na Son được HTX cung ứng cho thị trường cả trong và ngoài tỉnh, nhận được phản hồi rất tích cực của người tiêu dùng về chất lượng gạo.

Cùng với khuyến khích liên kết tiêu thụ, chính quyền địa phương đang có nhiều hoạt động góp phần khẳng định tên tuổi gạo nếp tan, nâng cao giá trị cho nông sản. Năm 2019, nếp tan đã được xã Na Son chọn là 1 trong 2 sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển. Tham gia dự thi chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp huyện, nếp tan Na Son được chấm điểm 3 sao và dự kiến được gửi dự thi cấp tỉnh vào năm tới. Cũng trong năm 2019, tại Quyết định số 610/QÐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nếp tan Na Son còn được kê tên trong sản phẩm thóc, gạo chủ lực. Với những sự ghi nhận này, nếp tan Na Son đã được biết đến nhiều hơn, có cơ hội vươn xa hơn và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Nếp tan Na Son đã được nhân giống trồng thử ở nhiều địa bàn trong huyện nhưng chỉ tại khu vực Sư Lư mới cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Vì vậy để phát huy giá trị thương hiệu vất vả xây dựng được, xã Na Son đã tích cực khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gắn bó với cây nếp tan. Bà Quàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Xã đã rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng sản xuất nếp tan với diện tích có thể nhân rộng là trên 40ha tại khu vực Sư Lư. Cùng với đó thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, vận động nhân dân trồng tối đa diện tích lúa nếp tan vào vụ mùa; cử cán bộ khuyến nông theo sát, hướng dẫn các công đoạn làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, quy định; tận dụng các nguồn vốn để đưa máy móc nông cụ vào sản xuất, xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng... Ðến nay, đa số người dân nơi đây đều tự nguyện, chủ động mở rộng diện tích nếp tan và hồ hởi khẳng định “không được đầu tư vẫn trồng”.

Sau nhiều năm khôi phục, thương hiệu nếp tan Na Son đã được vực dậy, không còn nỗi lo kết thúc dự án thì người dân cũng “chia tay” giống lúa. Mong rằng với những gì đã gây dựng được, nếp tan sẽ khẳng định tên tuổi và đứng vững trên thị trường thóc, gạo, thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, của tỉnh.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top