Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng khó

15:32 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 9433 In bài viết

ĐBP - Mường Chà là huyện biên giới tiếp giáp với huyện Mường Mày (tỉnh Phoong Sa Ly, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) cùng 8 huyện, thị trong và ngoài tỉnh, gồm: Ðiện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, TX. Mường Lay và 2 huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Chính vì địa bàn trải rộng, chia cắt như vậy nên Mường Chà gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, đặc biệt là những xã vùng ngoài.

Trường Mầm non Huổi Mí (huyện Mường Chà) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu giáo dục địa phương.

Trong 4 xã vùng ngoài của huyện Mường Chà là: Sá Tổng, Pa Ham, Huổi Mí, Nậm Nèn thì ngoài Sá Tổng có điều kiện phần thuận lợi hơn do nằm sát TX. Mường Lay, là ngã 3 giao nhau của quốc lộ 6 và quốc lộ 12, khoảng cách về trung tâm huyện cũng gần hơn (50km theo quốc lộ 12). Còn 3 xã còn lại đều thuộc diện “trái đường”, cách trở, khó khăn về nhiều phương diện. Ðiển hình về “trái đường” là xã Huổi Mí, mặc dù có một số bản như Huổi Xuân, Pa Ít nếu tính theo đường chim bay cách thị trấn Mường Chà không xa nhưng để ra trung tâm huyện, người dân phải vòng về trung tâm xã (20km) rồi ra xã Nậm Nèn (40km), đi theo đường tỉnh Hừa Ngài - Nậm Nèn (50km) ra quốc lộ 12, rồi mất 30km nữa mới về đến thị trấn. Tổng cộng là 140km với đủ cấp đường. Còn các xã như Pa Ham, Nậm Nèn dù không đến mức như Huổi Mí nhưng cũng xa xôi, cách trở và “oái oăm” không kém khi giao thông từ các xã này đến trung tâm các huyện, thị khác còn gần, thuận lợi hơn nhiều so với về trung tâm huyện (từ xã Pa Ham về TX. Mường Lay 30km; từ xã Nậm Nèn về TX. Mường Lay hoặc thị trấn Tuần Giáo cũng dài 45km, đều theo quốc lộ 6).

Trước những khó khăn, vướng mắc có phần “tréo ngoe” như vậy, có thời điểm đã có những ý kiến đề xuất nên quy hoạch, sáp nhập các xã này về TX. Mường Lay hoặc huyện Tuần Giáo cho thuận tiện. Tuy nhiên, với những đặc thù và  kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng cả giai đoạn của từng địa phương, cùng với những vấn đề mang tính “bất thành văn” nên việc sáp nhập không khả thi. Và những “ốc đảo” như Huổi Mí, Pa Ham, Nậm Nèn tiếp tục trong tình trạng “đẩy ra, đẩy vào không nhận!”

Trước những thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở và huyện Mường Chà đã tích cực xây dựng các phương án phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là hạ tầng trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục... Cùng với đó, từ đề xuất của địa phương, qua khảo sát, đánh giá và nhận thấy sự cấp bách về nhu cầu của chính quyền cơ sở và nhân dân các dân tộc vùng khó khăn Huổi Mí, Pa Ham, Nậm Nèn, vì sự phát triển chung của vùng Ðông Bắc tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm đầu tư, thúc đẩy kinh tế. Ðặc biệt là Dự án Ðường Na Sang (Km146+200/QL.12) - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng được UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện với tổng kinh phí giai đoạn 1 (phân đoạn Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng) trên 500 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ðây được coi là dự án mang tính cách mạng nhằm mở ra hướng đi quan trọng để kết nối trung tâm các xã vùng sâu, vùng cao, các xã mới thành lập, chia tách (nhất là khu vực các xã vùng xa của Mường Chà) chưa có đường ô tô đến trung tâm xã đi được các mùa trong năm. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các địa phương. Chính vì tầm quan trọng đó, trong năm 2019, Dự án Ðường Na Sang (Km146+200/QL.12) - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục có những chuyến thực địa kiểm tra, chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công…

Tận dụng mặt nước lòng hồ Thủy điện Nậm Mức, người dân bản Phiêng Ðất B, xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà) nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển kinh tế.

Huổi Mí là một trong những địa phương được quan tâm, đầu tư lớn về hạ tầng trong thời gian qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Tú, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với Dự án Ðường Na Sang (Km146+200/QL.12) - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng đang được đầu tư, triển khai, tính đến hết năm 2019, xã được đầu tư, hoàn thiện nhiều hạng mục. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giáo dục được đầu tư với 3 cấp trường: Mầm non, PTDTBT Tiểu học, PTDTBT THCS theo quy mô chuẩn đã hoàn thành trong năm học 2018 - 2019 và cuối năm 2019 với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng; Trạm Y tế xã được đưa vào sử dụng trong năm; Nhà văn hóa xã với sức chứa 500 người được đầu tư và hoàn thành tháng 10/2019, kịp thời để người dân vui Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc và chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng bộ xã. Cùng với đó là sự quan tâm của nhiều cấp, ngành; các cá nhân, đơn vị hảo tâm nhằm hoàn thiện hạ tầng vùng khó khăn, nâng bước trẻ đến trường, xóa bỏ hủ tục, tệ nạn xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Bằng chứng là nhiều điểm trường đã được kêu gọi xây dựng theo hướng xã hội hóa (từ Tập đoàn Vingroup và các nhà hảo tâm trong cả nước); những điểm bản nghèo khó, vướng vào tệ nạn ma túy như Pa Ít đã được quan tâm đầu tư sinh kế, tuyên truyền bài trừ tệ nạn. Hiện nay Pa Ít đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Ðối với các xã: Pa Ham, Nậm Nèn, ngoài sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng của huyện, tỉnh… thì chính người dân địa phương đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế gia đình, địa phương. Trong đó nhân dân đã biến nhược điểm, khó khăn thành lợi thế. Cụ thể như người dân Pa Ham, Nậm Nèn tập trung phát triển kinh tế dọc theo sông Ðà và mặt nước Thủy Ðiện Nậm Mức với các mô hình chăn nuôi, đánh bắt thủy sản (năm 2019 xã Pa Ham đầu tư diện tích 4,25ha mặt nước nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt trên 40 tấn), xã Nậm Nèn phát triển thủy sản theo lưu vực Thủy điện Nậm Mức tại các bản: Nậm Nèn 2, Phiêng Ðất B mang lại thu nhập ổn định cho người dân (bình quân cho thu nhập 200.000 đồng/ngày); phát triển các diện tích cây vụ đông, dong riềng; trồng thử nghiệm 4ha bưởi da xanh tại bản Phong Châu (xã Pa Ham) với 10 hộ tham gia, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ðặc biệt, năm nay củ dong riềng được giá với trung bình 2.400 đồng/kg (cao gấp 3 lần so với năm 2018) hứa hẹn một vụ thu hoạch thắng lợi, góp phần cho mâm cỗ ngày tết thêm đủ đầy cho người dân Nậm Nèn, Pa Ham. Vẫn với sự đóng góp tích cực của người dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 2 xã: Nậm Nèn, Pa Ham cũng có nhiều chuyển biến, khi Pa Ham đã hoàn thành 12/19 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí so với năm 2015) tập trung vào các lĩnh vực: Vệ sinh môi trường, giao thông, thủy lợi…; xã Nậm Nèn hoàn thành 9/19 tiêu chí (tăng 2 tiêu chí so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 4% năm.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm đầu tư của nhiều cấp, ngành, tổ chức… vùng “ốc đảo” xa xôi của huyện Mường Chà đang được nối gần hơn với trung tâm; kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn các xã: Huổi Mí, Pa Ham, Nậm Nèn chào đón năm mới 2020 với nhiều niềm tin và hy vọng…

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top