Nông dân chế tạo máy gặt lúa xếp dãy từ động cơ xe máy cũ

15:46 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 11463 In bài viết

ĐBP - Tận dụng những động cơ, khung xe máy cũ, anh Trần Quang Trung (sinh năm 1985) ở thôn Tân Ngam, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) đã chế tạo ra chiếc máy gặt lúa xếp dãy sử dụng động cơ xe máy chạy bằng xăng, giúp nông dân giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Với ý tưởng sáng tạo của mình, tháng 10 vừa qua, anh đã giành giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Ðiện Biên năm 2019” do Ban Chấp hành Tỉnh đoàn trao tặng; Ban Chấp hành Huyện đoàn Ðiện Biên tặng Giấy khen vì có thành tích suất sắc trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên năm 2019”.

Anh Trần Quang Trung giới thiệu về chiếc máy gặt lúa xếp dãy tại xưởng cơ khí.

Ðến xưởng cơ khí của gia đình anh Trung, chúng tôi thấy 2 chiếc máy gặt lúa đã được anh lắp ráp sẵn và khoe với chúng tôi rằng, 1 trong 2 chiếc đã được khách hàng ở Yên Bái đặt mua. Anh Trung sinh ra ở quê lúa Thái Bình và theo bố mẹ lên lập nghiệp tại xã Núa Ngam từ nhỏ. Năm 2004, học hết phổ thông anh vào Vũng Tàu theo học nghề cơ khí và làm cho một xưởng đóng tàu. Sau khi lập gia đình, anh trở về Ðiện Biên làm ruộng và mở xưởng cơ khí nhỏ. Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, anh luôn ấp ủ chế tạo ra chiếc máy không chỉ giúp việc đồng áng của gia đình, mà còn giúp nông dân giảm bớt sức lao động. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, cùng với kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm từ nghề cơ khí, năm 2015 anh đã chế tạo thành công chiếc máy gặt lúa xếp dãy sử dụng động cơ xe máy.

Kể về quá trình chế tạo chiếc máy gặt, anh Trung cho biết: “Ban đầu mình chế tạo chiếc lồng gặt lúa để lắp vào máy cắt cỏ sử dụng động cơ giật bằng tay; tuy nhỏ gọn nhưng khi thử nghiệm trên đồng ruộng mình thấy chiếc máy hoạt động không hiệu quả. Sau đó, mình tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, internet để chế tạo chiếc máy gặt lúa xếp dãy dùng động cơ xe máy này. Chiếc đầu tiên mình lắp ráp trong gần 1 tháng, nặng từ 1,4 - 1,5 tạ. Máy hoạt động như một chiếc tông đơ, khi cắt lúa sẽ vào bộ phận mồm gặt và đẩy lúa sang một bên. Máy có các bộ phận, như: Ðộng cơ xe máy, bộ phận mồm có dao cắt và quạt, trục bánh có cầu xe ô tô, cần số… Khi chế tạo xong, mình lại thử nghiệm thực tế và thấy có một vài chi tiết chưa phù hợp, như: Máy không có số lùi, bộ phận lưỡi chế chưa được chuẩn, mồm gặt ngắn (1m) và lúa ra chưa được đều; bánh xe làm bằng lốp, khi gặp những chân ruộng trũng khó di chuyển nên mình đã chế tạo làm thêm số lùi, cải tiến lại bộ phận mồm gặt dài 1,3m và sử dụng bánh lồng để máy có thể di chuyển tốt ở mọi chân ruộng... Nếu so với những chiếc máy gặt lúa xếp dãy trên thị trường sử dụng rơ le thì chiếc máy gặt anh Trung chế tạo có động cơ khỏe hơn, tốn ít nhiên liệu (0,25 lít xăng/1.000m2), gặt 1.000m2 ruộng lúa chỉ mất từ 10 - 15 phút. Sau khi chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy, ngoài việc sử dụng trong gia đình, anh nhận gặt thuê cho nhiều hộ dân ở các xã: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên)... Thấy chiếc máy gặt đều, gặt sạch, gần như không để rơi vãi trên ruộng nên anh đã bán được ngay chiếc đầu tiên khi gặt thuê cho một gia đình ở xã Thanh Yên. Từ đó, “tiếng lành đồn xa” chiếc máy gặt lúa của anh Trung không chỉ được người dân trong huyện biết đến, mà người dân ở các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu… cũng đặt mua vì những tính năng nổi trội của máy và phù hợp với địa hình ruộng bậc thang.

Ðánh giá về chiếc máy gặt lúa xếp dãy sử dụng động cơ xe máy, chị Lò Thị Mai, bản Na Khưa, xã Thanh Chăn cho biết: “Gia đình tôi đã mua và sử dụng chiếc máy gặt này được 4 năm rồi. Tôi thấy máy điều khiển khá dễ dàng, sử dụng rất tốt và tiện, tiết kiệm được nhiều sức lao động, gặt nhanh và khi gặt thóc không bị rụng nhiều. Ðồng thời, có thể điều chỉnh được độ cao thấp khi gặt, tùy vào chân ruộng và nhu cầu của gia đình muốn lấy nhiều rơm hay ít rơm.

Không chỉ chế tạo thành công chiếc máy gặt lúa xếp dãy, năm 2017, anh Trung tiếp tục chế tạo thành công chiếc máy xới đất có thể sử dụng ở mọi địa hình. Theo anh Trung thì máy xới đất chế tạo đơn giản hơn máy gặt lúa. Ðược biết, từ năm 2015 đến nay, anh đã bán được gần 100 chiếc máy gặt lúa xếp dãy và máy xới đất. Nói về dự định sắp tới, anh Trần Quang Trung chia sẻ thêm: “Hiện mình đang tiếp tục nghiên cứu để làm cho chiếc máy gặt lúa xếp dãy nhẹ hơn. Ðồng thời, cũng đang ấp ủ chế tạo chiếc máy phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ có công suất lớn, phục vụ cho việc chăm sóc cây ăn quả của gia đình.

Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top