Xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa

09:18 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 8830 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê, toàn tỉnh có 11.997 thương nhân gồm 518 công ty, 256 doanh nghiệp; 80 chi nhánh, văn phòng đại diện; 6 xí nghiệp, hợp tác xã; 8.877 hộ kinh doanh và 2.141 hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên mở các đợt cao điểm kiểm tra, đặc biệt trong các dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán; dịp Trung thu; các hội chợ thương mại; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP); các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn… Trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm như: Pháo nổ, đồ chơi trẻ em có tính chất nguy hiểm, kích động bạo lực, các sản phẩm văn hóa không lành mạnh; các hành vi vi phạm về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo ATTP; phòng chống các hành vi gian lận trong đo lường xăng dầu, hóa đơn chứng từ kèm theo hàng hóa...

Thành viên Ðội Quản lý thị trường số 7 (huyện Ðiện Biên Ðông) kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Ðiện Biên Ðông.

Năm 2019, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 1.973 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 597 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 598 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Hàng cấm 1 vụ; hàng giả 10 vụ; buôn lậu 1 vụ; vi phạm về ATTP 150 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 249 vụ; vi phạm trong kinh doanh 26 vụ; vi phạm khác 160 vụ. Trị giá hàng hóa vi phạm về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng cấm... hơn 202 triệu đồng. Ðiển hình là tháng 4/2019, Ðội Quản lý thị trường số 1, TP. Ðiện Biên Phủ chủ trì phối hợp với lực lượng Công an tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Trần Thị Phúc tại chợ Mường Thanh, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) phát hiện 96kg nội tạng dê không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, đồng thời buộc bà Phúc tự tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm theo quy định.

Trong lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: ATTP, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, rượu, thuốc lá, đồng hồ... lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định. Năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.408 vụ về các loại hàng hóa này, xử phạt vi phạm hành chính 294 vụ với số tiền hơn 238,5 triệu đồng. Ðiển hình, ngày 12/8, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về kiểm tra trọng điểm mặt hàng giả mạo các nhãn hiệu đồng hồ danh tiếng, Ðội Quản lý thị trường số 1 đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở kinh doanh đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh đồng hồ 2 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ 18 chiếc đồng hồ giả mạo nhãn hiệu các loại, tổng giá trị 13,73 triệu đồng, bao gồm: 5 chiếc đồng hồ giả mạo nhãn hiệu CHANEL, 3 đồng hồ giả mạo nhãn hiệu ROLEX, 3 đồng hồ giả mạo nhãn hiệu RADO, 2 chiếc giả mạo nhãn hiệu LONGINES, 3 chiếc giả mạo hiệu PIAGET, 1 chiếc giả mạo hiệu OMEGA và 1 chiếc giả mạo hiệu HERMES.

Tháng 6/2019, Ðội Quản lý thị trường số 1 tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh, làm rõ thông tin về Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và nhập khẩu Kyoto có dấu hiệu giới thiệu, quảng bá, bán hàng hóa không đúng với quảng cáo, không đúng sự thật về tính năng, ưu điểm của hàng hóa, bán hàng với giá cao hơn nhiều lần so với giá của sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Qua thẩm tra, xác minh đối với cửa hàng kinh doanh của ông Phạm Quang Hải, đường Võ Nguyên Giáp (TP. Ðiện Biên Phủ) thuộc “Chuỗi cửa hàng Kyotoshop” theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy 107 sản phẩm mỹ phẩm, 18 sản phẩm thực phẩm chức năng (xuất xứ Nhật Bản) trị giá 28,205 triệu đồng.

Ông Lò Ngọc Minh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên cho biết: Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thì hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được quan tâm thực hiện. Trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến gần 1.800 thương nhân hoạt động kinh doanh, thương mại. Qua thông tin do các thương nhân, người tiêu dùng cung cấp, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top