Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo vươn lên

10:40 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 9268 In bài viết

ĐBP - Kết thúc năm 2019, tỉnh ta vui mừng đón nhận con số gần 3.000 hộ dân vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 33,97% (giảm 3,11% so với năm 2018), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 49,27% (giảm 4,57% so với năm 2018). Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và người dân; trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những công cụ giảm nghèo hiệu quả, góp phần hiện thực hóa quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên con đường thoát nghèo.

Người dân vay vốn tại Ðiểm giao dịch tín dụng chính sách ở xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Ðưa ngân hàng về thôn, bản

Những ngày đầu tháng 12, có dịp cùng những cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Chà đến xã Huổi Mí, chúng tôi mới phần nào cảm nhận được lòng nhiệt huyết của mỗi cán bộ Ngân hàng CSXH đã và đang giúp sức bà con nơi đây vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống. Ðang là mùa khô, quãng đường 100km từ trung tâm huyện đến xã nếu không lổn nhổn đá sỏi thì cũng phủ dày bụi đất, lái xe quen đường cũng phải mất cả buổi mới đến nơi. Bởi vậy, để kịp thời gian giao dịch theo quy định, đoàn công tác luôn phải đi trước một ngày, với đầy đủ thiết bị như: Máy tính, máy in, máy đếm tiền, máy phát điện dự phòng và các công cụ hỗ trợ khác…

Với những nỗ lực chuyển đồng vốn đến tận tay người dân, con số trên 77 tỷ đồng với hơn 1.700 khách hàng vay vốn là kết quả hoạt động tính đến ngày 30/11 của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Chà. Con số trên càng thêm ý nghĩa khi Mường Chà là một trong những huyện nghèo của tỉnh với gần 93% là dân tộc thiểu số, song đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện qua từng năm. Kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của huyện đã giảm từ 58,59% (năm 2018) xuống còn 54,33%.

Cũng như huyện Mường Chà, với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cùng việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động tại các xã, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, trong năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ðiện Biên đã thực hiện tốt vai trò đưa vốn chính sách đến người dân kịp thời. Tính đến hết tháng 11, gần 3.740 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn chính sách tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh với tổng doanh số cho vay trên 158 tỷ đồng. Tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện Ðiện Biên tính đến ngày 30/11 đạt trên 565,46 tỷ đồng với gần 15.200 khách hàng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 17,08% (năm 2018) xuống còn 15,94% (tính đến hết tháng 9/2019).

Ðưa chúng tôi đến thăm các hộ vay vốn tín dụng chính sách ở xã Thanh An, chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Ðiện Biên phấn khởi chia sẻ những điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ đồng vốn chính sách trên địa bàn xã. Chị Châu cho biết những năm trước đây, người dân nông thôn vay vốn rất ít, thậm chí vay vốn về bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại thu nhập, nhiều hộ vay được vốn lại mang về “bỏ ống tre”. Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện cùng cán bộ xã và các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách.

Ðến cổng ngôi nhà sàn khang trang của chị Lò Thị Minh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Phiêng Ban, xã Thanh An chúng tôi đã nghe tiếng thảo luận sôi nổi của các tổ viên. Biết chúng tôi có ý tìm hiểu về hoạt động của tổ, chị Minh hồ hởi: Tôi làm tổ trưởng đã gần 5 năm, hiện tại tổ có 30 tổ viên với dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện gần 1 tỷ đồng. Trước kia người dân trong bản chỉ biết sống dựa vào ruộng, nương, kinh tế mang tính tự cấp tự túc nên cái đói cái nghèo cứ mãi đeo bám. Từ khi Ngân hàng CSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, bà con có vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Nhìn các tổ viên say sưa thảo luận về các chương trình tín dụng ưu đãi, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay đang đến với các thôn, bản ở xã Thanh An, rộng ra là huyện Ðiện Biên, là toàn tỉnh. Sự đổi thay đó đến từ các chương trình tín dụng chính sách mà từng cán bộ Ngân hàng CSXH đóng góp công sức không nhỏ giúp người nghèo thoát nghèo.  

Công cụ giảm nghèo bền vững

Ðánh giá việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ đầu năm đến nay, điều Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Ðiện Biên Ðàm Xuân Triệu tâm đắc nhất là những hiệu ứng từ sự chủ động phối hợp của Ngân hàng với các cấp, ngành, đoàn thể để đưa nguồn vốn tín dụng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống.

Ðến hết tháng 11/2019, 22 chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đã tiếp cận cho vay hơn 18.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% xã, phường trong toàn tỉnh với tổng doanh số cho vay đạt trên 754 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo gần 316 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 122,3 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo gần 51 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn khoảng 168 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm hơn 33,7 tỷ đồng… góp phần nâng tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đạt hơn 2.900 tỷ đồng, với 94.540 khách hàng dư nợ. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã góp phần tạo việc làm cho gần 800 lao động; hỗ trợ cho vay xây dựng gần 540 nhà ở cho hộ nghèo...

Những con số trên là minh chứng rõ nhất cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, là công cụ hữu hiệu để chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Ðược vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay đã từng bước khắc phục tư tưởng ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân, giúp họ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất. Với kết quả của năm qua, tin rằng, trong năm tới nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn, đồng hành, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top