Phát triển mô hình kinh tế trang trại

09:29 - Thứ Sáu, 17/01/2020 Lượt xem: 12848 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có 317 hộ nông dân phát triển kinh tế theo mô hình trang trại (chiếm 4,5% số hộ sản xuất kinh doanh giỏi). Con số này tuy không phải nhiều nhưng cho thấy rằng, những năm gần đây, từ các chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và những lợi thế về đất đai, địa hình, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại. Những hiệu quả tích cực từ mô hình kinh tế trang trại đã góp phần vào việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển…

Anh Nguyễn Văn Phóng, đội 7, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) cho cá ăn.

Theo giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của anh Phạm Anh Dũng, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Năm 2013, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, anh Dũng vay ngân hàng 500 triệu đồng để xây dựng trang trại. Ban đầu anh trồng gấc và đinh lăng làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Sau một thời gian, gấc bắt đầu cho thu hoạch, nhưng khâu vận chuyển về các tỉnh miền xuôi rất vất vả, tốn kém vì gấc chín không đồng loạt, qua 4 - 5 tháng mới thu hoạch hết nên số lượng vận chuyển ít, anh quyết định bỏ gấc giữ lại đinh lăng. Cuối năm 2015, anh tiếp tục cải tạo lại trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín, mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng với hơn 7.000m2, nuôi thêm chim bồ câu, gà, vịt, ngan, thỏ. Hiện tại, trang trại của anh rộng hơn 1,5ha chăn nuôi khép kín với hệ thống tưới nước, xử lý chất thải xây dựng theo quy trình hiện đại. Hơn 1.000 đôi bồ câu nuôi, mỗi tháng xuất bán từ 700 - 800 con; còn thỏ trung bình xuất từ 5 - 6 tạ thịt và khoảng 2.000 con giống/tháng. Ngoài ra, mỗi năm anh cũng xuất ra thị trường khoảng 12 tấn gà, vịt và đinh lăng cho thu hoạch đều trên 15 tấn/7.000m2. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí mỗi năm khoảng 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Dũng còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng và cung cấp giống, phương pháp, kỹ thuật cho nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt khác trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Anh Phạm Anh Dũng cho biết: “Việc chuyển đổi từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển theo quy mô trang trại thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình. Từ khi phát triển mô hình kinh tế theo hướng trang trại, tôi nhận ra rằng việc tạo ra số lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cũng là cách để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tạo uy tín trên thị trường, từ đó việc tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng hơn”.

Từ mô hình của anh Phạm Anh Dũng cho thấy, với hướng đi đúng, hiệu quả, việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại không chỉ tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn giúp thay đổi tư duy sản xuất, tập quán lạc hậu của người dân, chuyển đổi từ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang hướng quy mô trang trại. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại đã từng bước phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, lao động ở khu vực nông thôn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Chăn nuôi an toàn sinh học, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP, thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất cho giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Ðồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như các mô hình trang trại: anh Lò Văn Oai (bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên) trồng bưởi, nuôi cá, trồng rừng… trừ chi phí cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Ðình Phóng (đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên) trồng cây ăn quả, rau, nuôi cá, cho thu nhập 400 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Mạnh Toàn (bản Na Púng, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ) nuôi cá, gia cầm, thu nhập 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, 25 lao động thời vụ với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng; ông Lường Ngọc Ký (bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, nuôi bò, gà, lợn thương phẩm và nuôi cá, cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động thường xuyên, thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng…

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên cơ sở đẩy mạnh các phong trào hoạt động của hội, đặc biệt là phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, các mô hình kinh tế trang trại đã có bước phát triển ở nhiều loại hình sản xuất. Với vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế trang trại, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ các hộ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư, phân bón… cũng như tạo cơ hội thuận lợi để nông dân tham gia liên kết “4 nhà”. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển bền vững, thì hội cũng như các ngành chức năng cần định hướng giúp nông dân lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với từng vùng, từng địa bàn để đầu tư hiệu quả, từ đó hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cho chủ trang trại; đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình có đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top