Mường Nhé: Kiểm tra thị trường hàng tết

10:06 - Thứ Hai, 20/01/2020 Lượt xem: 8983 In bài viết

ĐBP - Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý, thị trường hàng hóa trên địa bàn huyện Mường Nhé khá sôi động, phong phú... Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các hộ, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện đã chủ động dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng ra thị trường.

Ðoàn công tác liên ngành huyện Mường Nhé kiểm tra tại cửa hàng tạp hóa Hiếu Thêu, xã Mường Nhé.

Dạo một vòng chợ trung tâm huyện Mường Nhé và các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, không khí mua sắm của người dân khá nhộn nhịp. Lượng hàng hóa cung ứng tăng đáng kể với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết, như: Bánh kẹo, mứt, quần áo, thực phẩm... Ðặc biệt, giá khá ổn định; hầu hết các mặt hàng giữ nguyên giá so với thời điểm trước đó, một số mặt hàng tăng nhẹ: Các loại rau, củ quả 20 - 35 nghìn đồng/kg; các loại gạo dao động từ 18 - 25 nghìn đồng/kg; các giỏ quà Tết giá khoảng từ 200 nghìn đồng trở lên, tùy theo mức giá, mỗi giỏ quà sẽ có số lượng các sản phẩm và chất lượng khác nhau. Anh Vũ Văn Hiếu, chủ cửa hàng tạp hóa Hiếu Thêu, xã Mường Nhé chia sẻ: “Nhu cầu mua của người dân tăng mạnh mỗi dịp Tết, nhưng những năm gần đây, trên địa bàn Mường Nhé người dân chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống, chứ không mua ồ ạt, dự trữ như trước. Do vậy, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cửa hàng đã chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm. Ðặc biệt, hàng hóa nhập về có mẫu mã đẹp, bắt mắt; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo chất lượng và hạn sử dụng; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá, bán hàng theo giá đã niêm yết”.

Không chỉ ở trung tâm huyện mà các chợ phiên, chợ trung tâm xã như: Mường Toong, Chung Chải, Quảng Lâm... người dân cũng bắt đầu mua sắm, lựa chọn cho gia đình mình những nhu yếu phẩm cần thiết. Khác so với thị trường thành phố, thị trấn chủ yếu mua: Thịt gà, bánh mứt, hạt dưa và thực phẩm chế biến sẵn: Giò, chả, xúc xích... thì người dân ở các xã chủ yếu mua những mặt hàng khô: Mỳ chính, nước mắm, dầu ăn, quần áo... Chị Hồ Thị Thắm, xã Mường Nhé chia sẻ: Năm nay, các mặt hàng rất đa dạng, nhất là phù hợp túi tiền. Ðể yên tâm khi sử dụng, tôi chủ yếu lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất trong nước, đặc biệt là còn hạn sử dụng; giá cả tới thời điểm này cơ bản ổn định, không có nhiều biến động. Hy vọng rằng, giá cả thị trường sẽ được bình ổn để người dân, nhất là ở vùng cao như chúng tôi có thể mua sắm.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, huyện Mường Nhé phấn đấu đảm bảo đủ số lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường với giá ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Ðặc biệt, đối với huyện vùng cao, biên giới như Mường Nhé, Tết là thời điểm các mặt hàng kém chất lượng, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ có những diễn biến phức tạp; hàng hóa kém chất lượng có thể thẩm lậu từ biên giới vào nội địa. Ông Ðàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, bán buôn, bán lẻ. Xác định quản lý thị trường, đảm bảo chất lượng các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán có ý nghĩa quan trọng, huyện Mường Nhé đã thành lập đoàn liên ngành, mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ðặc biệt, Phòng tiếp tục tăng cường công tác dự báo nhu cầu, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh đẩy mạnh dự trữ hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Ðồng thời, chủ động theo dõi tình hình thị trường, phòng ngừa và đối phó với những diễn biến bất thường có thể xảy ra; tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm; tổ chức tuyên truyền và kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết tại các chợ, điểm mua bán trên địa bàn huyện. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm soát tốt thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng; ngăn chặn lợi dụng tết đầu cơ găm hàng, tăng giá. Có như vậy, người dân mới được bảo vệ, lựa chọn những mặt hàng chất lượng, phù hợp với nhu cầu trong dịp tết cổ truyền.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top