Tránh đưa hàng hóa lên cửa khẩu vào thời điểm hiện tại

15:30 - Thứ Hai, 03/02/2020 Lượt xem: 7434 In bài viết

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần chủ động điều tiết nông sản ngay từ vùng sản xuất, tránh đưa hàng hóa lên cửa khẩu vào thời điểm này. 

Trước đó, Ủy ban Hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã thông báo về việc đóng cửa các cặp chợ thuộc địa bàn thị xã Bằng Tường từ ngày 31-1 đến hết ngày 8-2. Trong khi đó, các cặp chợ thuộc địa bàn Bắc Sơn - Hà Khẩu (Trung Quốc) cũng đóng cửa đến hết ngày 8-2. 

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, để tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương lái, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.

Đồng thời, đề nghị theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Hiện, đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông thủy sản, trái cây và thực phẩm tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.

Việc này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã lâm vào tình trạng khó khăn vì không xuất được hàng. Hiện, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang rớt giá như: Bí đỏ xuất sang Trung Quốc đang phải bán với giá 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm 2019; khoai lang chỉ được thương lái mua với 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, trong khi cuối năm 2019 có giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg.

Nhận định về việc nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tình trạng này là bất khả kháng do nguyên nhân khách quan. Cho nên, các doanh nghiệp cần chủ động điều tiết nông sản ngay từ vùng sản xuất, tránh việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu vào thời điểm này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top